Chức năng - Nhiệm vụ

 

Chức năng - Nhiệm vụ Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia

( Ban hành kèm theo Quyết định số 6065/QĐ-BYT ngày 30/ 12/2019 

và Quyết định số 5455/QĐ-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. Chức năng

Viện có chức năng kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm; chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực được phân công; thông tin truyền thông và triển khai các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật phù hợp với lĩnh vực hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ

2.1. Kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm:

  • Thực hiện các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định đối với thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm; dụng cụ, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm;
  • Kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm;
  • Kiểm nghiệm, đánh giá, chứng nhận tính an toàn của các chất hóa học và sinh học sử dụng trong chuỗi thực phẩm;
  • Kiểm nghiệm các chỉ tiêu khó, phức tạp, vượt quá khả năng kỹ thuật của địa phương;
  • Thực hiện kiểm nghiệm kiểm chứng để đưa ra kết quả cuối cùng làm cơ sở giải quyết tranh chấp, khiếu nại về kiểm nghiệm thực phẩm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Thực hiện lấy mẫu, kiểm nghiệm các mẫu thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo quy định;
  • Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhà nước về thực sản phẩm nhập khẩu theo chỉ định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện giám định, chứng nhận sản phẩm thực phẩm theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước;
  • Đánh giá sự phù hợp, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật;
  • Thẩm định, đánh giá, kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ, bộ xét nghiệm, quy trình liên quan đến kiểm nghiệm, sản xuất và chế biến đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép;
  • Thiết lập, cung cấp vật liệu chuẩn, vật liệu đối chiếu, mẫu chuẩn, mẫu thử nghiệm, bộ xét nghiệm nhanh dùng trong kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm;
  • Giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm;

2.2. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ:

  • Nghiên cứu xây dụng và áp dụng các phép thử, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm;
  • Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền công bố, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm thực phẩm;
  • Nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;
  • Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khoa học và công nghệ quốc gia, quốc tế về kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam;
  • Chủ trì, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học khác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

2.3. Chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật:

  • Đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật đối với hệ thống kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước; tổng hợp, báo Bộ Y tế về năng lực hoạt động của các đơn vị trong toàn hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm.
  • Tham gia xây dựng, đề xuất với Bộ Y tế về quy hoạch phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm ngành y tế và các biện pháp kỹ thuật phục vụ quản lý; tham gia đánh giá năng lực các phòng kiểm nghiệm thực phẩm trên phạm vi cả nước;
  • Tham gia tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá công tác an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và các chương trình, dự án có liên quan; Tiếp nhận thông tin từ các địa phương, phối hợp lấy mẫu, kiểm nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm;
  • Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, trợ giúp kỹ thuật khi có yêu cầu của các đơn vị liên quan.

2.4. Đào tạo, bồi dưỡng:

  • Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm nghiệm thực phẩm và đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm cho nguồn nhân lực trong hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;
  • Là cơ sở thực hành của các trường đào tạo chuyên ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, các chuyên ngành khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
  • Tham gia đào tạo kỹ thuật viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo trong nước và quốc tế về lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của Viện.

2.5. Hợp tác quốc tế:

  • Thực hiện quan hệ, hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân để triển khai các hoạt động đầu tư, tài trợ, hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn của Viện theo quy định của pháp luật;
  • Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Viện phù hợp với mục tiêu hoạt động hợp tác quốc tế;
  • Tổ chức quản lý và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo thẩm quyền;
  • Thực hiện đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật;
  • Phối hợp với các cơ quan hữu quan đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

2.6. Thông tin truyền thông:

  • Biên soạn, cung cấp tài liệu kỹ thuật, tài liệu khoa học chuyên ngành kiểm nghiệm thực phẩm;
  • Tham gia, thực hiện chương trình thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến quản lý và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

2.7. Triển khai các dịch vụ công trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm:

  • Triển khai dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm; các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật;
  • Triển khai dịch vụ tư vấn về lĩnh vực an toàn thực phẩm;
  • Triển khai dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị y tế và dụng cụ trong phòng kiểm nghiệm thực phẩm khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép;
  • Tổ chức thực hiện dịch vụ cung cấp chất chuẩn, chất đối chiếu, động thực vật thực nghiệm dùng trong kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
  • Triển khai dịch vụ kiểm nghiệm cho các tổ chức, các nhân, doanh nghiệp có nhu cầu khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Triển khai dịch vụ nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm;
  • Triển khai các hoạt động dịch vụ khác phù hợp với lĩnh vực của Viện và quy định của pháp luật.

2.8. Về quản lý viện:

  • Xây dựng và triển khai thực hiện Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện theo đúng các quy định của pháp luật;
  • Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Viện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, hóa chất và vật tư theo đúng quy định của pháp luật;
  • Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách nhà nước của Viện, hạch toán thu chi đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo đúng quy định của pháp luật.

2.9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.

3. Quyền hạn

  • Viện được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
  • Được lấy mẫu thực phẩm của các cơ sở sản xuất, lưu thông, phân phối, bảo quản thực phẩm trong cả nước để phục vụ cho công tác kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.         
  • Được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, vật liệu phục vụ hoạt động chuyên môn của Viện khi cần.
  • Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về năng lực hoạt động và kết quả kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm của các đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm trong ngành y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, của các cơ quan cấp trên và các cơ quan có liên quan.
  • Tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.
  • Được thực hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, hiệu chuẩn và các dịch vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật khi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có yêu cầu.
  •  Được triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia các lĩnh vực hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật.
  • Được sản xuất, phân phối, cung ứng chất chuẩn, chất đối chiếu hóa học, sinh học, mẫu chuẩn, mẫu thử nghiệm, bộ xét nghiệm nhanh và động thực vật thí nghiệm.
  • Được nhập khẩu, mua sắm hóa chất, chất chuẩn, thuốc thử, mẫu chuẩn, sinh phẩm chuẩn đoán, vật liệu, công cụ, dụng cụ phục vụ hoạt động của Viện theo quy định.
  • Được thu phí, lệ phí giá dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm và các dịch vụ khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

     Nhiệm vụ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được giao bổ sung  trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19

           (Theo Quyết định số 5455/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 28/12/2020)

  1. Tham gia kiểm nghiệm, khảo nghiệm các sản phẩm: Khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ lao động, chế phẩm khử khuẩn, tiệt khuẩn.
  2. Thử nghiệm độc cấp tính đối với các chế phẩm khử khuẩn, tiệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.