- Folder Giới thiệu chung
- Views 7767
- Last Updated 15/06/2024
Giám định thực phẩm là một trong những hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt. Làm tốt công tác giám định thực phẩm, đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật chắc chắn sẽ góp phần tích cực làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo quy định của Luật Thương mại: Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầucủa khách hàng; Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.
Theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm.
Bên cạnh hoạt động giám định mang tính thương mại nói trên, hoạt động giám định còn phục vụ công tác quản lý nhà nước theo từng ngành, lĩnh vực, nhất là phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Luật thanh tra năm 2022 quy định: “Khi cần đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn - kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định việc trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định; Cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định phải thực hiện việc giám định, thông báo kết quả giám định trong thời hạn theo đề nghị của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định”.
Đối với hoạt động tố tụng (bao gồm: hình sự, hành chính, dân sự), Luật giám định tư pháp đã quy định: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, mặc dù mới thành lập được 15 năm, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban ngành chức năng có liên quan và nhất là sự nỗ lực cố gắng của công chức, viên chức trong toàn Viện cùng với những lĩnh vực chuyên môn khác, thời gian qua Viện đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình chuyên môn cùng các cơ sở pháp lý cần thiết để tham gia tích cực vào các hoạt động giám định thực phẩm, cụ thể:
1) Về điều kiện chung: Viện đã được công nhận là Tổ chức giám định phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17020:2012 (Tổ chức giám định độc lập loại A, với mã số VIAS 023) theo Quyết định số 2070/QĐ-VPCNCL ngày 21/11/2023 của Văn phòng công nhận chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ.
2) Về giám định thương mại: Viện được Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo Quyết định số 3646/TĐC-HCHQ ngày 03/11/2023 với lĩnh vực “Giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa” cho 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa bao gồm:
- Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chết biến thực phẩm;
- Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;
- Sản phẩm dệt may: Khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn;
- Khăn giấy và giấy vệ sinh;
- Tã (bỉm) trẻ em;
- Khăn ướt sử dụng một lần;
- Thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hoạt động giám định của Viện đã giúp các doanh nghiệp thuận lợi hóa trong hoạt động thương mại. Kết quả của hoạt động giám định (Chứng thư giám định) là bằng chứng chứng minh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… đúng với quy định của Việt Nam (đối với hàng hóa thương mại trong nước, hàng nhập khẩu vào Việt Nam khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định) hoặc quy định nước nhập khẩu (đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi sang quốc gia khác) hay với tiêu chuẩn đặt ra trong thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên mua bán hàng hóa.
Chứng thư giám định của Viện cũng là cơ sở xác nhận hàng hóa do bên bán cung cấp là đúng và đủ số lượng theo nội dung hợp đồng mua bán, giúp bên mua không phải tự kiểm tra hàng hóa với số lượng lớn.
3) Về giám định phục vụ quản lý nhà nước: Viện đã được Bộ Y tế chỉ định là tổ chức giám định thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế tại Quyết định số 3800/QĐ-BYT ngày 09/10/2023 của Bộ Y tế cho các sản phẩm: “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế”.
Giám định phục vụ quản lý nhà nước đã hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, đánh giá, kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp/không phù hợp với các quy định của Việt Nam về an toàn thực phẩm, chất lượng của hàng hóa dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Thông tư của các bộ, ngành; Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, Tiêu chuẩn của nhà sản xuất,... Kết luận trong Chứng thư giám định là căn cứ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, kết luận về vụ việc hoặc đưa ra kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (nếu có) một cách chính xác, khách quan, công bằng cũng như giúp cho việc giải quyết các tranh chấp các hợp đồng kinh tế hoặc làm căn cứ để thực hiện các biện pháp xử lý tang vật của vụ việc.
Bên cạnh đó, giám định phục vụ quản lý nhà nước còn giúp các cơ quan quản lý có đủ căn cứ để cấp chứng nhận y tế (Health Certificate) cho các lô hàng xuất khẩu sang các quốc gia, bao gồm cả Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ… theo yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp hàng hóa thực phẩm Việt Nam có thể thâm nhập ngày càng nhiều vào thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
4) Về giám định tư pháp: sau nhiều năm phấn đấu nhằm hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật, Viện đã được Bộ Y tế công nhận, công bố là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Y tế theo Quyết định số 1153/QĐ-BYT ngày 04/5/2024 của Bộ Y tế với lĩnh vực chuyên môn: “Kiểm nghiệm, đánh giá, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm”. Hiện nay, Viện đã có 10 nhân sự đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đã được Bộ Y tế công nhận, công bố trong Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Y tế theo Quyết định số 491/QĐ-BYT ngày 01/3/2024 của Bộ Y tế.
Hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cơ quan tiến hành tố tụng. Kết luận giám định tư pháp là cơ sở khoa học, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý cần thiết giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vụ việc vi phạm, bao gồm cả sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại.
Quy trình giám định hiện đang áp dụng tại Viện:
Thông tin liên hệ
Phòng 101 - Phòng Kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
Địa chỉ: 65 Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.32262215
Email: ktnn@nifc.gov.vn