4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không 'đổ bệnh' ngày Tết

Để có những giây phút trọn vẹn bên người thân những ngày Tết, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện cần lưu tâm để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết.

Tết cổ truyền cũng chính là dịp mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Mâm cơm ngày Tết từ bánh chưng, thịt, giò, hành muối là những món ăn tiêu biểu cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt Nam, là tượng trưng cho hy vọng về một năm mới vuông vức, đầy đủ, sung túc, thành công.

Để có những giây phút trọn vẹn bên người thân những ngày Tết, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện cần lưu tâm để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết.

4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không 'đổ bệnh' ngày Tết - Ảnh 1

Mâm cơm ngày Tết với nhiều món ngon khó cưỡng.

Sau đây là các bốn lưu ý về an toàn thực phẩm và biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết.

1. Mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Theo TS. Nguyễn Quốc Anh - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vào những dịp trước Tết thì nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào với đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Hiện nay, các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.

"Mua nhiều thực phẩm vượt quá sức chứa của tủ lạnh, nhiệt độ của tủ có thể không đủ độ lạnh, dẫn đến thức thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi mua sắm Tết, hãy tính toán lượng thức ăn đủ dùng, không nên mua quá nhiều đồ ăn rồi để tủ lạnh vừa không tươi, vừa có thể lãng phí" - TS. Quốc Anh tư vấn.

4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không 'đổ bệnh' ngày Tết - Ảnh 2

Hạn chế việc mua những thực phẩm chế biến sẵn tại các bếp ăn gia đình để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

2. Cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

ThS. BS Bùi Thị Mai Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những năm gần đây, việc mua bán các loại thực phẩm chế biến sẵn trên các hội nhóm mạng xã hội như Facebook, Zalo ngày càng trở nên phổ biến, và đặc biệt nhộn nhịp trong những dịp tết đến xuân về khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Có nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp các thực phẩm có hương vị thơm ngon, sạch sẽ.

Tuy nhiên, do các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ có thể gây mất ATTP, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến.

Nếu bạn có thời gian để chế biến thực phẩm, thì nên hạn chế việc mua những thực phẩm chế biến sẵn tại các bếp ăn gia đình để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Trường hợp bạn thực sự muốn mua những thực phẩm này, cần phải hỏi rõ người bán thời điểm chế biến và phương pháp bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, và khi ăn cần nấu chín lại.

3. Sử dụng đồ uống có cồn điều độ

Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Những năm gần đây, ngộ độc rượu công nghiệp methanol luôn có xu hướng ra tăng vào các dịp Tết, do tiêu thụ các sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Do đó, lời khuyên được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là:

- Hạn chế uống rượu bia, chỉ uống có điều độ những sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn.

- Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ.

- Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, các loại rượu chưng cất thủ công. Bởi lẽ những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.

4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không 'đổ bệnh' ngày Tết - Ảnh 3

Thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm giúp người dân đón Tết an toàn.

4. Thực hành vệ sinh, phân loại, bảo quản và chế biến thực phẩm tốt

Tương tự như với các bữa ăn hàng ngày, bữa ăn ngày Tết của gia đình sẽ sẽ trở nên an toàn hơn nếu bạn thực hiện tốt các thực hành sau đây:

  • Rửa sạch tay với nước và xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm.
  • Rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy.
  • Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn và để riêng các loại thịt, gia cầm, hải sản, trứng sống ra khỏi các thực phẩm khác khi đi chợ và khi bảo quản trong tủ lạnh.
  • Bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cần phải tách biệt với các loại thực phẩm đã được nấu chín.
  • Nấu chín kỹ các loại thực phẩm. Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men nếu các thực phẩm này không được bảo quản đúng, các loại thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc.

- Đối với mâm cơm cúng ngày Tết, người dân cần lưu ý thực hiện nguyên tắc 4 giờ: Nên ăn thức ăn chín sau khi nấu 4 giờ, nếu sau 4 giờ thì cần đun nóng thức ăn trước khi ăn.

- Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá, trước khi dùng lại cần hâm nóng đủ thời gian.

- Đối với các thực phẩm đông lạnh, rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, rã đông dưới vòi nước chảy, hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã giã đông thì không cấp đông lại.

Thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm sẽ góp phần giúp mỗi gia đình tận hưởng một bầu không khí Tết trọn vẹn yêu thương!

Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4907200
  • Hàng tháng137
  • Hôm nay16
  • Đang Online1