- Folder Tin tổng hợp
- Views 1620
- Last Updated 03/10/2022
Chế độ ăn uống của chúng ta không thể thiếu chất béo. Chất béo cũng có nhiều loại, có loại tốt, có loại không tốt cho sức khỏe. Trong đó có một loại chất béo chuyển hóa xấu nhất hiện diện trong nhiều loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Chất béo chuyển hóa là gì?
Chất béo chuyển hóa là một loại axit béo có hại có cả dạng tự nhiên và nhân tạo.
Hầu hết chất béo chuyển hóa là nhân tạo được tạo ra thông qua một quy trình công nghiệp bổ sung hydro vào dầu thực vật lỏng để tạo thành chúng rắn hơn.
Chất béo chuyển hóa cũng được tìm thấy một lượng nhỏ trong các thực phẩm làm từ sữa, thịt động vật.
Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo. Hiện chưa có đủ nghiên cứu để xác định xem liệu những chất béo chuyển hóa tự nhiên có tác động xấu đến mức cholesterol như chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp hay không.
Chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế, xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng....).
Chất béo chuyển hóa có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.
Các axit béo chuyển hóa nhân tạo được sản xuất bằng cách thêm hydro - một quá trình được gọi là hydro hóa một phần - vào dầu lỏng; điều này làm cho chúng rắn ở nhiệt độ phòng, ổn định hơn trong quá trình chiên ngập dầu lặp đi lặp lại và kéo dài thời gian bảo quản.
Axit béo chuyển hóa chứa dầu có thể được bảo quản lâu hơn, thực phẩm có thể được biến đổi thành hình dạng, kết cấu và hương vị như mong muốn, giúp tăng thêm lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên nó cũng là nguồn thực phẩm gây hại nhất cho sức khỏe người sử dụng.
2. Chất béo chuyển hóa gây hại cho sức khỏe như thế nào?
Chất béo chuyển hóa là loại chất béo có hại nhất có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể con người hơn bất kỳ thành phần nào khác trong chế độ ăn uống.
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, chuyên khoa Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm bánh các loại và các thực phẩm nướng khác; đồ ăn nhanh như gà rán, pizza, khoai tây chiên; đồ chiên rán nhiều dầu; đồ ăn chế biến sẵn như bắp rang bơ, snack, mì ăn liền…
Chất béo chuyển hóa có thể được xem là loại chất béo xấu nhất cho cơ thể vì chúng làm giảm hàm lượng cholesterol tốt (HDL); tăng cholesterol xấu (LDL) và triglycerides.
Chất béo chuyển hóa còn gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với chất béo bão hòa. Và việc loại bỏ ra khỏi cơ thể còn khó hơn chất béo bão hòa.
Chất béo chuyển hóa làm tăng tăng cholesterol xấu gây bệnh tim.
Nghiên cứu đã chứng minh, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh đái đường loại 2. Nó cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh béo phì, hội chứng chuyển hóa, kháng insulin, vô sinh, một số loại ung thư…
Nếu chúng ta thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt.
Ngoài ra, nếu bên trong động mạch tích tụ chất béo thì nó có thể làm rách hoặc vỡ chúng, cục máu đông có thể hình thành và chặn dòng máu đến một phần của tim, gây đau tim hoặc đến một phần não gây đột quỵ.
Hội chứng chuyển hóa như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, chất béo trong cơ thể tăng xung quanh thắt lưng và mức cholesterol bất thường. Hội chứng này cũng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
3. Làm cách nào để cắt giảm chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống?
Tuy khó có thể tránh hoàn toàn chất béo chuyển hóa vì chúng hiện diện trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn và các loại đồ ăn nhanh phổ biến, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta có thể hạn chế tối đa sử dụng chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống bằng cách:
- Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng. Ưu tiên lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, toàn phần như: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá và các loại hạt.
- Nên ăn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh không bão hòa như: dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu hướng dương; các loại hạt; các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá cơm...
- Hạn chế thịt đỏ và thức ăn, đồ uống có đường.
- Hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, các loại bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, bánh pizza…
Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống