Bia không độ có chứa cồn không?

Uống bia không cồn (bia không độ) có tốt cho sức khoẻ không và khi kiểm tra nồng độ cồn có ảnh hưởng gì không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là một chất độc hại và ảnh hưởng đến thần kinh, gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu và là một nguyên nhân cho hơn 5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Xu hướng sống lành mạnh khiến một số người lựa chọn sản phẩm thay thế rượu bằng các đồ uống khác như bia không cồn.

Bia không cồn hay còn gọi là bia không độ được người tiêu dùng Việt Nam biết đến và sử dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây vì cho rằng loại này tốt cho sức khỏe, và để tránh hơi thở có nồng độ cồn.

Bia không độ có chứa cồn không? - Ảnh 2

Xu hướng uống bia không cồn ngày càng tăng.

Tháng 2 năm 2021, một báo cáo của công ty phân tích đồ uống IWSR đã dự đoán rằng thị trường đồ uống không cồn và ít cồn sẽ tăng 31% trên toàn cầu vào năm 2024. Càng ngày, mọi người càng khám phá ra những lợi ích về thể chất và tinh thần của lối sống không uống rượu. Với xu hướng này đã xuất hiện một thế hệ bia không cồn mới, hương vị được mô phỏng theo các loại bia thủ công.

1. Bia không cồn là gì?

Bia không cồn hiểu đơn giản là bia đã loại bỏ cồn hoặc đã được ủ để chứa ít cồn hơn mức giới hạn cho phép. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đồ uống có thể tuyên bố là không cồn miễn là chúng không vượt quá giới hạn 0,5% cồn theo thể tích (ABV).

ABV là thể tích rượu nguyên chất trong một loại đồ uống có cồn nhất định. Nói cách khác, đó là mức độ mà đồ uống là ethanol so với nước. Hàm lượng ethanol càng cao thì ABV càng cao. Mặc dù ABV của mỗi loại đồ uống khác nhau nhưng mức ABV chung là từ 5 đến 12%. Bia nằm ở mức thấp hơn, với 5 đến 6% ABV là phổ biến. ABV của rượu cao hơn, trung bình từ 12 đến 18%. Hầu hết bia 'không cồn' chứa 0,05% cồn theo thể tích (ABV) hoặc ít hơn.

Bia được làm bằng cách lên men ngũ cốc, có nghĩa là các vi sinh vật, thường là men, phân hủy đường trong ngũ cốc thành rượu và các sản phẩm phụ khác, đôi khi thêm đường hoặc si-rô ngô có hàm lượng đường cao, dẫn đến bia có vị ngọt. Một số nhãn hiệu lâu đời sản xuất bia không cồn bằng cách ngăn chặn quá trình lên men. Các thương hiệu khác nấu bia sau quá trình lên men để đốt cháy cồn.

Hiện nay, các nhà sản xuất bia dẫn đầu về bia thủ công không cồn sử dụng các phương pháp bí mật với công nghệ cao để sản xuất bia có hương vị giống bia thủ công truyền thống hơn mà không cần thêm chất làm ngọt.

2. Bia không cồn có tốt cho sức khỏe không?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ngay cả việc uống rượu nhẹ đến vừa phải cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là đối với bệnh ung thư. Các tổ chức bao gồm Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ tuyên bố rằng để ngăn ngừa ung thư, tốt nhất là không uống rượu.

Loại bỏ cồn khỏi bia sẽ giúp bia tốt cho sức khỏe hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên uống bia không cồn quá mức. Hầu hết các loại bia không cồn cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng và chủ yếu là carbohydrate (thường ngang bằng với bia thông thường).

Bạn cũng nên biết có một lượng cồn nhỏ trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống hàng ngày. Đó là một sản phẩm tự nhiên của quá trình lên men. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2016 trên Tạp chí Độc học Phân tích đã tìm thấy lượng cồn có thể đo được trong chuối, nước ép táo và bánh mì. Do đó, một ly bia không cồn không khiến đa số người uống bị say, loại đồ uống này có thể thay thế các loại bia có cồn, mang đến lựa chọn uống bia mà không bị say.

Điều quan trọng cần nhớ là bia không cồn vẫn có thể chứa một ít cồn và con số ABV từ 0,0% đến 0,5% mà bạn nhìn thấy trên nhãn không phải là sự đảm bảo chắc chắn. Trước đây đã có vấn đề với các loại bia không cồn được phát hiện vượt quá giới hạn pháp lý là 0,5% ABV. Một nghiên cứu cho thấy 30% các loại bia không cồn được thử nghiệm có lượng cồn nhiều hơn so với chỉ định trên nhãn của chúng và sáu trong số các loại bia được thử nghiệm có chứa tới 1,8% cồn theo thể tích.

Theo Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đồ uống như nước ngọt, nước ép trái cây và một số đồ uống có hương vị khác mà theo truyền thống được người tiêu dùng coi là "không cồn" thực sự có thể chứa dấu vết của cồn (dưới 0,5 % cồn theo thể tích) có thể do sử dụng chiết xuất hương liệu hoặc từ quá trình lên men tự nhiên. FDA cũng coi đồ uống có chứa một lượng cồn như vậy là "không cồn".

Bia không độ có chứa cồn không? - Ảnh 1

Một số loại thực phẩm chứa lượng cồn nhỏ do quá trình lên men.

3. Mức phạt nồng độ cồn mới nhất năm 2023

Việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm quy định tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Do các loại bia không cồn vẫn có thể có nồng độ cồn dù thấp nên bạn cần cân nhắc khi uống, tốt nhất không uống/hoặc đã uống thì không điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Mức phạt nồng độ cồn năm 2023 với xe máy

Nồng độ cồn

Mức tiền

Phạt bổ sung

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6)

Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6)

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Điểm c Khoản 7 Điều 6)

Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm e Khoản 10 Điều 6)

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6)

Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm g Khoản 10 Điều 6)

Mức phạt nồng độ cồn năm 2023 với ô tô

Nồng độ cồn

Mức tiền

Phạt bổ sung

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5)

Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm e Khoản 11 Điều 5)

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5)

Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm g Khoản 11 Điều 5)

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5)

Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm h Khoản 11 Điều 5)

Mức phạt nồng độ cồn năm 2023 với xe đạp

Nồng độ cồn

Mức tiền

Phạt bổ sung

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. (Điểm q Khoản 1 Điều 8)

-

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng. (Điểm e Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

-

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. (Điểm c Khoản 4 Điều 8)

-

Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4307407
  • Hàng tháng2127
  • Hôm nay2523
  • Đang Online15
009bet