Bệnh nhiễm trùng liên cầu lợn

Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh. Ở người liên cầu khuẩn lợn gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc…

Bệnh nhiễm trùng liên cầu lợn - Ảnh 1

Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ. Chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần)

Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn?

  • Những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết
  • Người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung
  • Ăn tiết canh, hay các sản phẩm từ lợn không được nấu chín kỹ

Bệnh nhiễm trùng liên cầu lợn - Ảnh 2

Biểu hiện bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn như thế nào?

- Bệnh cảnh phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não. Biểu hiện của viêm màng não:

+ Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình …

+ Khám có biểu hiện gáy cứng …

+ Chọc dịch não tủy có biến loạn: dịch đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein trong dịch não tủy

- Trường hợp nặng tiến triển nhanh chóng hội chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn (có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm màng não): trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh chóng.

- Chẩn đoán xác định dựa vào nuôi cấy bệnh phẩm (máu, dịch não tủy, tổ chức) cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn hoặc bằng phương pháp sinh học phân tử (PCR)

Các biện pháp phòng, chống dịch

+  Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. 

+ Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.  

+ Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 700C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

+  Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. 

+  Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

+ Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.

+ Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ,vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.

+ Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại. 

Kiểm dịch y tế biên giới: Thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch quốc tế khi xuất, nhập lợn qua biên giới để không đưa mầm bệnh từ nước ngoài vào và ngược lại.

Nguồn: Cục An toàn thực phẩm

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4907152
  • Hàng tháng84
  • Hôm nay105
  • Đang Online0