'Bí kíp' mua và bảo quản thực phẩm Tết

Thực phẩm Tết nên mua bao nhiêu, mua loại gì, bảo quản thực phẩm Tết ra sao... Câu hỏi tưởng dễ nhưng không hề đơn giản.

'Bí kíp' mua và bảo quản thực phẩm Tết - Ảnh 1

Người dân mua thực phẩm Tết ở siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đa phần người dân Việt có thói quen mua nhiều thực phẩm tích trữ để ăn uống và tiếp khách trong dịp Tết. Vì thế, mọi người thường mua quá nhiều thực phẩm Tết so với nhu cầu và cất trong tủ lạnh cả chục ngày, có khi vài tuần mà không lường được một số nguy cơ đối với sức khỏe.

Vậy, chúng ta nên mua những loại thức ăn gì và bảo quản chúng như thế nào cho khoa học, đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cần thiết?

Nguyên tắc chung khi mua thực phẩm Tết

Bạn nên vạch ra một kế hoạch chi tiêu thích hợp trong một số tiền cho phép, tránh lãng phí và thiếu hụt sau Tết.

Theo đó, không nên mua quá nhiều thực phẩm Tết, chỉ nên tính toán lượng thức ăn vừa đủ dùng cho 2-3 ngày vì từ ngày mùng 2 Tết âm lịch các siêu thị, chợ đều đã mở cửa. Mua vừa đủ dùng giúp chúng ta tránh lãng phí, đảm bảo ăn được đồ ăn tươi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp đó, chọn thực phẩm Tết có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Hạn chế mua những thực phẩm chế biến sẵn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không được cấp phép, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngoài ra nhớ vệ sinh, phân loại, bảo quản, chế biến thực phẩm một cách khoa học, thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm.

Để bảo quản thức ăn thừa đúng cách, bạn cần chuẩn bị các hộp đựng thực phẩm dạng thủy tinh. Các loại hộp này sẽ giúp bạn dự trữ thức ăn thừa vừa không gây lãng phí.

'Bí kíp' mua và bảo quản thực phẩm Tết - Ảnh 2

Từ mùng 2 Tết âm lịch, các siêu thị, chợ đều đã mở cửa nên chúng ta không cần mua quá nhiều thực phẩm Tết để tích trữ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những thực phẩm Tết nên mua

Dịp Tết, các món ăn truyền thống nhà nào cũng mua là: thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, giò, chả, thịt đông, dưa, hành… Tuy nhiên để cân bằng chế độ ăn uống và tốt cho sức khỏe, bạn vẫn nên mua thêm một số loại thực phẩm khác vào bữa ăn ngày Tết như:

Rượu vang đỏ

Rượu vang đỏ có một số lợi ích như chống lão hóa, tăng cường miễn dịch và sức khỏe tim. Nho - thành phần chính của rượu vang - có nhiều chất chống oxy hóa như resveratrol, catechin, epicatechin và proanthocyanidin. Những chất chống oxy hóa này giúp giảm nguy cơ bệnh tim và chống lại các tổn thương gốc tự do.

Đậu phụ

Dịp Tết âm lịch, chúng ta thường xuyên phải ăn thịt gà, bánh chưng, giò, nem rán… Để đỡ ngán, hãy bổ sung đậu phụ vào thực đơn Tết để thay đổi khẩu vị. Đậu phụ giúp giữ độ đàn hồi của da, căng cơ mặt, do đó ngăn ngừa lão hóa.

Salad

Salad cung cấp nhiều kali và chất xơ, không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn có khả năng làm giảm huyết áp cao, giúp hạn chế hấp thụ chất béo vào cơ thể và giảm cân hiệu quả.

Cá là nguồn protid quý, có đủ các acid amin cần thiết. Mỡ cá có nhiều vitamin A, D và các loại acid béo chưa no. Thịt cá dễ tiêu và dễ hấp thu hơn thịt từ các con vật khác.

Sữa chua

Sữa chua không chỉ là món ăn vặt, giúp tiêu hóa tốt mà còn tốt cho xương, kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa nhiễm trùng... nhờ vào hàm lượng dưỡng chất và khoáng chất có trong nó.

Rau quả

Ngoài cung cấp các vitamin, khoáng, chất xơ, rau quả còn là những vị thuốc kháng sinh thực vật rất tốt. Rau xanh (súp lơ, cần tây, tỏi tây, cà chua) và các loại quả (cam, chanh, quýt...) cung cấp nhiều vitamin C.

Trứng gà

Trứng gà là nguồn cung cấp protein tuyệt vời, ngoài ra còn chứa nhiều axit amin thiết yếu mà con người cần.

Các loại hạt

Ngày Tết không thể thiếu các loại hạt, quả như hạt bí, hạt dưa, hướng dương, nho khô… Những loại hạt này không chỉ là món ăn chơi vui miệng mà còn có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của chúng ta.

'Bí kíp' mua và bảo quản thực phẩm Tết - Ảnh 3

Người dân chọn mua các loại hạt để nhâm nhi những ngày Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cách bảo quản thực phẩm Tết

Cách bảo quản bánh chưng

Nhiều người từ chối bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh vì dễ bị cứng gạo. Tuy nhiên nếu trời nóng, có thể cho bánh chưng vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín.

Lưu ý khi lấy bánh chưng trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Tuy nhiên nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hằng ngày, không có lợi cho sức khỏe.

Giò, chả

Bảo quản giò, chả ở nhiệt độ dưới 25 độ C. Khi bảo quản đúng cách, chúng ta sẽ giữ giò, chả được 4-6 ngày (nếu để ngăn mát), thậm chí 10 ngày (nếu để ở ngăn đá).

Khi lấy giò, chả ra khỏi ngăn đá, nên để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn dùng ngay thì rã đông nhanh: bọc vào bọc ni lông, ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ.

Thịt đông

Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Bằng cách này, bạn vừa giữ được hương vị đặc trưng của món ăn, vừa giúp bảo quản lâu hơn.

Thịt, cá và các loại hải sản

Bạn nên cho thịt vào túi hút chân không hoặc túi ni lông thường rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, khi nào dùng thì rã đông tự nhiên trong tủ lạnh. Việc này sẽ tiện lợi hơn là bỏ nguyên miếng thịt to vào tủ lạnh. Hơn nữa phương pháp này còn giúp thịt cá giữ nguyên hương vị tự nhiên, không có mùi khó chịu.

Các loại rau, củ, quả

Không giống thịt, rau không thể bảo quản trong ngăn đá, cũng không để lâu được.

Do đó khi mua, bạn nên chọn loại quả có vỏ cứng, tránh chọn loại dễ giập nát. Sau đó rửa sạch, lau khô, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để nơi khô ráo bên ngoài (đối với những loại quả chờ chín tự nhiên).

Dưa, hành

Nên bảo quản dưa, hành ở nơi thoáng mát. Khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa, hành ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.

'Bí kíp' mua và bảo quản thực phẩm Tết - Ảnh 4

Dưa, hành là một trong những thực phẩm Tết được ưa chuộng - Ảnh: DOÃN HÒA

Các thực phẩm nấu chín khác

Không nên để món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư.

Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn thừa sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Đối với thức ăn nấu lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vì vậy tốt nhất chúng ta nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng nấu quá nhiều. Chưa kể thức ăn thừa nấu đi nấu lại sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng.

Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-kip-mua-va-bao-quan-thuc-pham-tet-2023010914024815.htm

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4918186
  • Hàng tháng45
  • Hôm nay66
  • Đang Online3