- Folder Tin tổng hợp
- Views 2986
- Last Updated 05/09/2023
Mỗi năm trên thực tế xảy ra không ít các ca ngộ độc rượu methanol, đa số bệnh nhân đến viện trong tình trạng rất nguy kịch. Cách nào để không uống phải loại rượu nguy hiểm này?
Methanol cực kỳ độc hại, chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Tình trạng sức khỏe của người ngộ độc phụ thuộc vào lượng chất độc nuốt vào và thời gian được tiếp nhận cấp cứu, điều trị.
Ngộ độc methanol ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, ức chế hệ thống thần kinh trung ương, gây tổn thương nội tạng, ảnh hưởng tới thần kinh thị giác do đó mù mắt là tình trạng phổ biến và thường là mù vĩnh viễn kể cả khi được chăm sóc y tế kịp thời.
Methanol cực kỳ độc hại với sức khỏe.
1. Ngộ độc rượu methanol có tỷ lệ tử vong cao
Methanol (CH3OH), còn được gọi là rượu methyl hoặc rượu gỗ, thường được sử dụng làm dung môi công nghiệp. Ngộ độc methanol có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao trên toàn thế giới, nguyên nhân thường gặp nhất là do tiêu thụ methanol trong đồ uống có cồn bất hợp pháp hoặc uống phải một số chất lỏng có chứa methanol.
Methanol được tìm thấy trong nhiều chất gia dụng và công nghiệp. Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm nước rửa kính chắn gió, chất chống đông đường dẫn khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, mực in, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thực phẩm và các loại nhiên liệu khác… Việc tiếp xúc với methanol cực kỳ nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Người uống rượu có chứa methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các acid gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt là các tế bào não, gan và thị giác.
BS. Nguyễn Hồng Tốt - Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện TW Quân đội 108: "Ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao đặc biệt là các trường hợp đến viện quá muộn có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Trường hợp ngộ độc methanol nếu may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác."
2. Cách phòng ngộ độc rượu methanol
Đơn giản nhất và an toàn nhất để phòng ngộ độc rượu có methanol là không uống rượu, không pha chế cồn công nghiệp methanol thành đồ uống.
Trên thực tế, các chuyên gia hóa học cho biết nếu chỉ bằng các giác quan thông thường, chúng ta không thể phân biệt xem rượu có chứa methanol hay không. Cách chính xác nhất là phân tích trong phòng thí nghiệm.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rượu có pha methanol thường sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều acid formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Đa số các trường hợp ngộ độc rượu methanol khi đến viện đã rất nguy kịch như tổn thương não, mù mắt…
Không mua, không uống rượu bia không rõ nguồn gốc
Theo PGS.TS Vũ Đức Định, chuyên gia Hồi sức cấp cứu, dấu hiệu sớm cho thấy ngộ độc methanol sau khi uống rượu là say nhanh, mệt lả, đau đầu, nôn, giảm thị lực, đau quặn bụng, thở nhanh do toan máu, trong trường hợp này cần đưa đi bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời.
PGS. Vũ Đức Định cũng lưu ý để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc rượu methanol, mọi người không nên uống rượu bán ở quán vỉa hè, không uống loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Nên thử chút rượu trước khi uống, tốt nhất là trong trường hợp có nhu cầu uống rượu, nên uống ít và quan trọng nhất là lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi uống rượu thấy mệt và cảm giác say nhanh thì nên dừng ngay lập tức.
Bỏ thói quen pha lẫn nước ngọt vào bia rượu
Một số người có thói quen dùng các loại nước ngọt pha vào rượu bia để uống, việc này theo khuyến cáo cũng rất nguy hại cho sức khỏe vì khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc xảy ra sớm hơn so với thức uống thông thường.
Vì sức khỏe, nên hạn chế uống rượu và chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thử nghiệm nhanh
Theo trang Science – một website uy tín về khoa học: Nếu bạn nghi ngờ rằng đồ uống có cồn có thể chứa một lượng methanol nguy hiểm, bạn có thể thực hiện một số xét nghiệm nhanh. Đơn giản nhất là ngửi đồ uống, nếu có mùi hóa chất nồng nặc, khó chịu thì đồ uống đó có thể không an toàn để tiêu thụ.
Tuy nhiên, vì không phải tất cả đồ uống nhiễm methanol đều tạo ra mùi này nên cũng có thể thử bằng lửa. Nếu một mẫu đồ uống được đốt trên lửa và ngọn lửa chuyển sang màu vàng chứ không phải xanh lam thì đồ uống đó không an toàn để tiêu thụ. Chú ý cẩn thận khi thử, chỉ thử với một chút ít rượu và cách xa trẻ nhỏ.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol.
- Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
- Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu.
- Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.
- Không nên uống quá hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn