- Folder Tin tổng hợp
- Views 3056
- Last Updated 09/12/2022
Nghệ từ lâu đã được sử dụng nhiều trong phòng bệnh và chữa bệnh, được coi là một loại kháng sinh tự nhiên. Nó có thuộc tính chống oxy hóa, chống viêm và nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe khác.
Ở nhiều nơi, củ nghệ là loại gia vị có nguồn gốc thực vật được thêm vào thức ăn hàng ngày và họ coi như một phương thuốc tại nhà. Nghệ là loại gia vị mang lại hương vị độc đáo và màu vàng cho nhiều món ăn như món cà ri, làm gia vị đặc biệt cho các món như cơm gà, canh cá, kho cá...
Không chỉ tạo màu sắc cho món ăn mà nghệ còn rất tốt cho sức khỏe. Những món như thịt ba chỉ kho nghệ, bao tử cá basa xào nghệ, bún nghệ cá lóc... là gợi ý món ngon từ nghệ có thể bổ sung ngay vào thực đơn hằng ngày để cải thiện hệ tiêu hóa.
Nghệ có thành phần hoạt chất chính là curcumin.
Củ nghệ được thu hoạch từ rễ của một loài thực vật có hoa tên là Curcuma longa. Thành phần hoạt chất chính curcumin có trong nghệ mang lại những lợi ích sức khỏe và màu sắc đặc biệt của nghệ. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một muỗng canh bột nghệ có chứa:
- 29 calo
- 0,91 gam (g) protein
- 0,31 g chất béo
- 6,31 g carbohydrate
- 2,1 g chất xơ
- 0,3 g đường
- 26% nhu cầu mangan hàng ngày
- 16% lượng sắt hàng ngày
- 5% lượng kali hàng ngày
- 3% lượng vitamin C hàng ngày
Sự hiện diện của curcumin và các chất chống oxy hóa thiết yếu khác làm cho nghệ có tác dụng như một chất kháng sinh và kháng viêm rất mạnh.
Tính chất kháng sinh của củ nghệ
Các nghiên cứu cho thấy tác động hiệp đồng của nghệ với các kháng sinh khác. Củ nghệ cho thấy tác dụng tương tự như thuốc kháng sinh mạnh như cephalosporin và ciprofloxacin.
Thuộc tính chống viêm
Curcumin có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Điều này làm cho nghệ rất có lợi cho cơ thể con người. Nó có khả năng ngăn ngừa một số bệnh như Alzheimer, trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.
Bài báo trên tạp chí Thuốc oxy hóa và tuổi thọ tế bào phân tích curcumin là hợp chất hoạt động chính trong củ nghệ, đặc biệt mạnh, nó có các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, đồng thời đã được chứng minh là cải thiện các dấu hiệu căng thẳng oxy hóa (một hiện tượng gây ra bởi sự mất cân bằng giữa các gốc tự do). Khi điều này xảy ra, các gốc tự do có thể làm hỏng các tế bào khác nhau trong cơ thể bạn.
Các đặc tính chống viêm của nghệ cũng có lợi cho làn da của bạn. Đó là lý do tại sao nghệ có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá và làm cho làn da sáng lên.
Lợi ích cho tiêu hóa
Củ nghệ có lợi cho tiêu hóa nhờ đặc tính chống viêm của nó giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mặt khác, khi là gia vị trong thức ăn, nghệ giúp thức ăn của bạn dễ tiêu hóa hơn.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu nghệ để điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS) vì đặc tính chống viêm của nó.
Không phải ai cũng có thể dùng nghệ.
Một số lưu ý khi dùng nghệ
Tham khảo thông tin được đăng tải trên webMD về những lưu ý đặc biệt dành cho một số nhóm người như phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc có bệnh lý như sau:
Mang thai và cho con bú: Củ nghệ thường được sử dụng với số lượng nhỏ như một loại gia vị trong thực phẩm. Nhưng có thể không an toàn khi sử dụng một lượng lớn nghệ như một loại thuốc trong thời kỳ mang thai vì có thể gây kích thích tử cung, gây nguy hiểm cho thai kỳ.
Hiện chưa có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu nghệ có an toàn để sử dụng với liều lượng làm thuốc trong thời gian cho con bú hay không. Do đó nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn dùng nghệ thường xuyên khi đang mang thai hoặc cho con bú.
Các vấn đề về túi mật: Củ nghệ có thể làm cho các vấn đề về túi mật trở nên tồi tệ hơn. Không sử dụng nghệ nếu bạn bị sỏi mật hoặc tắc nghẽn ống mật.
Các vấn đề về chảy máu: Uống nghệ có thể làm chậm quá trình đông máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu ở những người bị rối loạn chảy máu.
Tình trạng nhạy cảm với nội tiết tố như ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Curcumin trong củ nghệ có thể hoạt động giống như hormone estrogen. Về lý thuyết, điều này có thể ảnh hưởng đến các tình trạng nhạy cảm với hormone. Cho đến khi được biết chắc chắn hơn, hãy sử dụng thận trọng nếu bạn có tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn khi tiếp xúc với hormone.
Vô sinh: Củ nghệ có thể làm giảm mức testosterone và giảm sự di chuyển của tinh trùng. Điều này có thể làm giảm khả năng sinh sản. Những người đang cố gắng sinh con nên thận trọng khi sử dụng nghệ.
Bệnh gan: Có một số lo ngại rằng nghệ có thể gây hại cho gan, đặc biệt là ở những người mắc bệnh gan. Tốt nhất, không sử dụng nhiều nghệ nếu bạn có vấn đề về gan hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.
Phẫu thuật: Củ nghệ có thể làm chậm quá trình đông máu. Nó có thể gây chảy máu thêm trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng nghệ ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Cách tiêu thụ nghệ trong chế độ ăn uống hàng ngày
Nên sử dụng nghệ với một lượng cân bằng.
Để tiêu thụ nghệ trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn cần biết các phương pháp và công thức nấu ăn khác nhau để tiêu thụ nó như thêm bột nghệ sấy khô hoặc nước nghệ tươi vào món ăn.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nên sử dụng nghệ với một lượng cân bằng. Củ nghệ có các thành phần hoạt tính mạnh như curcumin có thể có tương tác thuốc khi dùng chung với các loại thuốc khác. Vì vậy, hãy luôn hỏi bác sĩ của bạn trước khi dùng nghệ với số lượng lớn dưới dạng thuốc hoặc thảo dược. Nghệ có đặc tính làm loãng máu, vì vậy hãy thận trọng với chất làm loãng máu.
Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm về của nghệ hoăc tinh bột nghệ để nhận được những lợi ích tối đa từ loại gia vị có mặt trong nhà bếp của mọi người này.
Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống