- Folder Tin tổng hợp
- Views 3870
- Last Updated 10/03/2023
Salmonella là một loại vi khẩn gây tiêu chảy cấp tính có liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Để phòng ngừa lây nhiễm các bệnh tiêu hóa nói chung và bệnh do Salmonella nói riêng, cần thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm theo khuyến cáo dưới đây.
1. Bạn có thể nhiễm Salmonella như thế nào?
Bạn có thể nhiễm Salmonella từ các thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn, như: thịt gà, thịt gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, các loại rau, quả, hạt, thậm chí là các thực phẩm chế biến (bơ hạt, đậu đông lạnh, các món ăn từ gà…). Một số vụ ngộ độc thực phẩm do Salmonella ghi nhận gần đây ở nhiều nước có liên quan đến gà, gà tây, bò, cá thu tươi sống, nấm, hành, đào, đu đủ, hoa quả và sốt làm từ một số loại hạt.
Nhiều người có thể nhiễm Salmonella từ môi trường, từ nước đã nhiễm khuẩn hoặc từ người mang mầm bệnh, hoặc động vật nhiễm bệnh. Lưu ý, các thú cưng nuôi trong gia đình hoặc ở các vườn thú, trang trại… cũng có thể mang Salmonella lây nhiễm cho con người.
Hình ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy vi khuẩn Salmonella (nhuộm màu đỏ) xâm nhập vào tế bào của con người.
2. Triệu chứng khi nhiễm Salmonella
Salmonella có thể gây bệnh nặng, các triệu chứng thường xuất hiện từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm. Triệu chứng điển hình bao gồm: tiêu chảy và có thể có máu trong phân, sốt, đau quặn dạ dày. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 4-7 ngày mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp bị tiêu chảy nặng phải nhập viện và điều trị kháng sinh.
Các dấu hiệu cần đi khám bệnh ngay:
- Tiêu chảy kèm theo sốt cao hơn 38,8 độ C;
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày và không có biểu hiện tốt hơn;
- Chảy máu trong phân;
- Nôn liên tục, kéo dài khiến bệnh nhân không thể bù được dịch;
- Có các dấu hiệu mất nước, như: tiểu ít, miệng họng khô, mắt trũng, da khô, chóng mặt khi đứng dậy…
3. Khuyến cáo các bước phòng lây nhiễm Salmonella
3.1 Rửa sạch
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tốt nhất là dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây, trước và sau khi: chế biến thực phẩm, đặc biệt là khi bạn chế biến các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: trứng, các loại thịt, gia cầm (gà, gà tây), hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm.
- Rửa sạch bằng nước nóng/ xà phòng/ nước rửa bát tất cả các dụng cụ chứa đựng, chế biến, dao thớt, bát, đĩa, nồi… sử dụng trong quá trình chế biến các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: trứng, các loại thịt, gia cầm (gà, gà tây), hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm.
Rửa sạch và vệ sinh kỹ khu vực nấu nướng.
- Không rửa các loại trứng, thịt sống, thịt gia cầm sống, hải sản sống trước khi nấu vì việc rửa này có thể làm lây lan vi khuẩn gây bệnh sang các thực phẩm, đồ dùng và các bề mặt khác.
- Vệ sinh sạch sẽ bề mặt bếp, các nơi chế biến thực phẩm bằng các dung dịch vệ sinh, sát khuẩn có chứa chlorine.
3.2 Để riêng biệt đồ ăn sống, chín
- Tách riêng, bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm khác. Bảo quản trứng sống trong hộp đựng riêng, trong ngăn mát của tủ lạnh, không để trong cánh cửa tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp.
- Bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm để ăn ngay (như sa lát, nộm, thịt chín…).
- Dùng thớt, đồ đựng riêng biệt cho các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng.
- Không bao giờ đựng các thực phẩm đã nấu chín trong các đĩa, bát… dùng để đựng các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng hoặc các sản phẩm từ các thực phẩm này.
Bảo quản thực phẩm đúng cách và riêng biệt.
3.3 Nấu chín
- Hãy chắc chắn rằng bạn đã nấu chín kỹ thức ăn của mình.
- Tham khảo bảng nhiệt độ cần thiết để nấu chín thức ăn dưới dây để chắc chắn rằng thực phẩm của bạn đã được nấu chín kỹ: (lưu ý đây là nhiệt độ đo ở bên trong lòng món ăn):
+ 62,5 độ C cho thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu, sau đó để món ăn 3 phút trước khi ăn; các món cá nguyên con…
+ 72 độ C cho các loại thịt tự nuôi: bò, lợn, bê, cừu, gà tây…; các món có trứng…
+ 75 độ C cho các loại gia cầm (gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng…), bao gồm các gia cầm tự nuôi.
+ Lò vi sóng khi nấu, chế biến món ăn luôn để từ 75 độ C trở lên.
+ Nấu chín kỹ trứng, không ăn trứng sống, trứng lòng đào…
3.4 Bảo quản lạnh
- Giữ ngăn mát tủ lạnh của bạn ở mức 4 độ C hoặc lạnh hơn.
- Không bao giờ để các thực phẩm dễ hỏng bên ngoài tủ lạnh hơn 2 giờ. Nếu thực phẩm phải tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn 32 độ C (như trong xe ô tô nóng hoặc thời tiết mùa hè), phải đưa vào bảo quản lạnh hoặc ngăn đá ngay trong vòng 1 giờ.
Rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm, rửa tay sau khi đi vệ sinh là nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng trong phòng bệnh nhiễm khuẩn Salmonella.
4. Một số lưu ý khác để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella
Nấu chín và thanh trùng tiêu diệt vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm. Tham khảo thêm một số cách để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella trong khi chuẩn bị thức ăn:
- Không chế biến thức ăn cho người khác nếu bạn bị bệnh. Luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang tiếp xúc với thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng.
- Rửa hoặc gọt vỏ rau và trái cây trước khi cắt, ăn hoặc nấu.
- Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt, thịt gia cầm và hải sản chưa chế biến càng sớm càng tốt.
- Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc thức ăn làm từ sữa chưa tiệt trùng.
- Không uống nước chưa qua xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa qua xử lý. Nếu bạn không chắc nước có được xử lý hay không (ví dụ: nếu bạn đang đi du lịch), hãy sử dụng nước đóng chai để uống và nấu ăn.
Xử lý động vật an toàn để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella
Có một số điều bạn có thể làm để bảo vệ mình khỏi vi khuẩn Salmonella do động vật mang theo:
Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật (kể cả vật nuôi) hoặc thức ăn, bát nước, khay vệ sinh, phân, lồng hoặc đồ chơi của chúng. Không chạm hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào động vật. Nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc trên 65 tuổi hoặc dưới 5 tuổi, bạn không nên chạm vào động vật có nguy cơ cao. Không ăn hoặc uống xung quanh động vật có nguy cơ cao hoặc ở những nơi chúng sống. Làm sạch môi trường sống của thú cưng (như bể cá, lồng hoặc hồ cạn) bên ngoài nếu có thể. Không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để làm sạch môi trường sống, đồ chơi hoặc bát của thú cưng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
- Vi khuẩn Salmonella là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới.
- Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella đều nhẹ, nhưng đôi khi căn bệnh này đe dọa đến tính mạng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố vật chủ và kiểu huyết thanh Salmonella.
- Salmonella là một trong những vi sinh vật mà các loại huyết thanh kháng thuốc đã xuất hiện, có tác động trở lại chuỗi thức ăn.
- Thực hiện các quy tắc cơ bản về vệ sinh thực phẩm, chẳng hạn như "nấu đủ" thực phẩm là một biện pháp phòng ngừa khuyến cáo chống lại bệnh nhiễm khuẩn do Salmonella.
Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống