- Folder Tin tổng hợp
- Views 1518
- Last Updated 18/11/2022
Chăm sóc sức khỏe đường ruột thực sự là việc làm cần thiết để cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Một số loại thực phẩm như chất xơ có thể giúp cải thiện tiêu hóa và thúc đẩy đường ruột cân bằng, trong khi một số khác lại có tác dụng ngược gây khó chịu, tăng cân...
Chuyên gia dinh dưỡng Trista Best thuộc Trung tâm dinh dưỡng Balance One (Mỹ) khuyến cáo 4 loại thực phẩm nên ăn ít để đảm bảo một đường ruột khỏe mạnh và hoạt động tốt:
Bánh ngọt ăn sáng
Bánh ngọt chứa đầy calo rỗng không giúp bạn no lâu và khiến bạn dễ ăn vặt vô độ suốt cả ngày.
Mặc dù không thể phủ nhận bánh ngọt ăn sáng là một lựa chọn bữa sáng ngon miệng nhưng loại thực phẩm này thường được chế biến nhiều, do đó không phải là lựa chọn lý tưởng để đưa vào chế độ ăn uống nếu bạn đang nỗ lực cải thiện sức khỏe đường ruột của mình.
Chưa kể bánh ngọt chứa đầy calo rỗng sẽ không giúp bạn no lâu và khiến bạn dễ ăn vặt vô độ suốt cả ngày.
"Thức ăn này khó tiêu hóa là do chứa nhiều đường tinh luyện. Một chế độ ăn nhiều loại đường này sẽ thúc đẩy chứng rối loạn vi khuẩn đường ruột và mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Đường tinh luyện là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có hại trong đường ruột gây ra sự mất cân bằng và phát triển quá mức của vi khuẩn, trong đó có nấm Candida" – chuyên gia Best giải thích.
Nếu bạn thấy mình thèm một thứ gì đó ngọt ngào vào buổi sáng nhưng không muốn phá hủy đường ruột của mình, hãy cân nhắc đổi bánh ngọt lấy yến mạch cắt nhỏ mà bạn có thể làm ngọt bằng các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, sirô phong hoặc bơ đậu phộng. Đó cũng là một cách tuyệt vời giúp bạn giảm cân.
Thêm một khẩu phần trái cây bổ sung trong chế độ ăn uống của bạn có thể cải thiện tình trạng tiêu hóa một cách tự nhiên với hàm lượng chất xơ cao.
Thực phẩm chiên
Thực phẩm chiên rán không có lợi cho sức khỏe đường ruột.
Dầu có thể tốt cho sức khỏe khi được sử dụng ở mức độ vừa phải, nhưng thực phẩm chiên rán là một ví dụ không có lợi cho sức khỏe đường ruột của bạn.
Chuyên gia Best nói: "Loại thực phẩm này tàn phá toàn bộ hệ tiêu hóa, gây ra tình trạng trào ngược đến những thay đổi không mong muốn trong nhu động ruột. Chất béo và carbs tinh chế từ bột mì được sử dụng để tạo ra những thực phẩm chiên rán đều có hại cho sức khỏe đường ruột".
Ăn đồ chiên rán tạo môi trường cho vi khuẩn đường ruột có hại phát triển. Thực phẩm chiên rán cũng rất giàu bột tinh chế, ít chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn khi tiêu thụ thường xuyên.
Vì vậy, hãy thử chế biến những món ăn bằng cách nướng hoặc dùng nồi chiên không dầu để có vị tương tự mà không gây tác động tiêu cực tương tự đến dạ dày của bạn.
Một số thực phẩm "ăn kiêng"
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng các loại thực phẩm có chứa từ "ăn kiêng" trong phần mô tả là tốt cho bạn hơn hầu hết các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, trên thực tế, những loại thực phẩm đặc biệt này có thể tàn phá sức khỏe đường ruột của bạn.
"Danh mục thực phẩm này thường được làm bằng chất làm ngọt nhân tạo nhằm giảm lượng calo và đường bổ sung mà chúng có chứa. Thật không may là, mặc dù như vậy có thể làm giảm lượng calo trong thực phẩm, nhưng lại làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn vi khuẩn đường ruột" – chuyên gia Best lưu ý.
Do đó, nên thay thế thực phẩm "ăn kiêng" bằng nguyên liệu và ngũ cốc nguyên chất bởi những thực phẩm này thực sự có thể đưa một số chất xơ vào ruột của bạn mà không khiến cơ thể bạn bị quá tải với đường nhân tạo.
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm chế biến sẵn gây tác hại đến sức khỏe đường ruột của bạn.
Không có gì đáng ngạc nhiên, thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, mì ống trắng và món tráng miệng không chỉ có thể gây tăng cân do hàm lượng calo của chúng mà còn gây tác hại đến sức khỏe đường ruột của bạn.
Chuyên gia Best cho biết: "Những thực phẩm này có hại cho sức khỏe đường ruột vì chúng thiếu loại chất xơ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột".
Hãy quên đi thực phẩm chế biến sẵn bởi thực phẩm tự nhiên hơn là lựa chọn tốt nhất để cải thiện sức khỏe của bạn. Trái cây, rau xanh, protein nạc và carbs nguyên hạt sẽ phục vụ cơ thể bạn tốt hơn trong thời gian dài.
Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống