- Folder Tin tổng hợp
- Views 1099
- Last Updated 14/11/2022
Mặc dù chế độ ăn uống không chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng việc lựa chọn các thực phẩm lành mạnh có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 được chứng minh là làm giảm viêm, có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, tốt cho các trường hợp mắc bệnh vảy nến.
1. Dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn dịch gây ra các mảng ngứa hoặc đau trên da, da dày, khô và đổi màu.
Mặc dù bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bạn cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng các mảng vảy nến thường phát triển trên khuỷu tay, đầu gối, da đầu, lưng, mặt, lòng bàn tay và bàn chân.
Các triệu chứng và sự xuất hiện của bệnh thay đổi tùy theo loại và mức độ của bệnh. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm: Có các mảng đổi màu hoặc mảng da nổi lên có vảy; Da khô hoặc nứt nẻ, chảy máu; Ngứa hoặc đau nhức gần các khu vực bị ảnh hưởng; Móng tay hoặc móng chân bị rỗ hoặc dày lên; Sưng khớp…
Hình ảnh tổn thương da trong bệnh vảy nến.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương, vảy nến là một bệnh mạn tính, đến nay chưa có phương pháp giúp điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể kiểm soát được. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh vảy nến cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, trong đó đặc biệt cần tránh rượu bia và các chất kích thích. Hạn chế một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn như đồ ăn có nhiều chất béo, thực phẩm chế biến, thực phẩm lạ dễ gây dị ứng…
Bên cạnh đó nên ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega-3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
2. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến
Axit béo omega-3 là một chất béo thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất được. Khi được thêm vào như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, axit béo omega-3 có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cholesterol "tốt" và giúp giảm huyết áp.
Axit béo omega-3 cũng có tác động tích cực đến sức khỏe làn da. Một số tác dụng đáng chú ý của omega-3 là giảm kích ứng da, hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời, giảm mụn trứng cá...
Omega-3 liên quan mật thiết một cách toàn diện với chức năng miễn dịch. Khi các phân tử hoạt động trao đổi chất và các thành phần cấu trúc của màng tế bào trong cơ thể người, omega-3 ảnh hưởng trực tiếp đến các tính chất vật lý và chức năng của màng, bao gồm biểu hiện gene, giao tiếp nội bào, phản ứng viêm...; ảnh hưởng trực tiếp đến cả sự phát triển miễn dịch và phản ứng miễn dịch.
Thực phẩm giàu axit béo omega-3 có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Axit béo omega-3 đã được chứng minh là làm giảm chứng viêm và có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, tốt cho các trường hợp mắc bệnh vảy nến.
Omega-3 có thể bảo vệ, giữ ẩm cho da và chống lại các tình trạng da đỏ, khô hoặc ngứa do rối loạn da như viêm da dị ứng và bệnh vảy nến. Đó là bởi vì omega-3 có thể cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da, giữ độ ẩm và ngăn chặn các chất gây kích ứng.
Một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu khoa học được xuất bản trên Tạp chí của Viện Da liễu Hoa Kỳ cho thấy, omega-3 đã cải thiện các triệu chứng bệnh vẩy nến của mọi người trong 12 trong số 15 thử nghiệm. Những lợi ích bao gồm cải thiện tình trạng đỏ da, ngứa, bong vảy và viêm.
Cùng với các triệu chứng bên ngoài, omega-3 cũng có thể giúp giải quyết các nguy cơ sức khỏe lâu dài. Những người bị bệnh vảy nến có nhiều khả năng phát triển bệnh tim và omega-3 có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
3. Nguồn thực phẩm cung cấp axit béo omega-3
Axit béo omega-3 có nhiều loại, trong đó có 3 loại quan trọng nhất là: ALA, DHA và EPA. ALA chủ yếu được tìm thấy trong thực vật, trong khi DHA và EPA là 2 loại có lợi cho sức khỏe nhất chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm động vật như cá béo.
Nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất là cá béo.
3.1. Axit béo omega-3 trong cá
Nguồn cung cấp axit béo omega-3 DHA và EPA tốt nhất là cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá cơm...
Nên lựa chọn cá được đánh bắt hoặc nuôi theo tiêu chuẩn ở vùng nước an toàn, không bị ô nhiễm để tránh nguy cơ cá bị ô nhiễm hóa chất, thủy ngân.
3.2. Axit béo omega-3 trong thực vật
Omega-3 ALA cũng được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: dầu hạt cải, dầu đậu nành, bông cải xanh, rau bina, đậu Hà Lan, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó…
Mặc dù ALA không hiệu quả bằng DHA và EPA, nhưng các thực phẩm chứa omega-3 ALA còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như các vitamin, khoáng chất và chất xơ rất tốt cho sức khỏe.
Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống