Sibutramine là gì, tại sao lại là chất cấm?

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một trường hợp bị ngộ độc (mất thị lực, tổn thương não) do sử dụng sản phẩm detox cơ thể, có chứa sibutramine. Vậy sibutramine là chất gì, có được phép dùng trong các sản phẩm bổ sung không?

1. Sibutramine là gì?

Sibutramine tạo ra tác dụng điều trị bằng cách ức chế norepinephrine (NE), serotonin (5-hydroxytryptamine, 5-HT) và ở mức độ thấp hơn là tái hấp thu dopamine ở khớp thần kinh. Bằng cách ức chế sự tái hấp thu của các chất dẫn truyền thần kinh này, sibutramine thúc đẩy cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, do đó làm giảm lượng thức ăn ăn vào.

Ngoài ra, sibutramine còn có khả năng tác động lên các mô mỡ làm tăng phân hủy mỡ và do đó làm tăng mức tiêu hao năng lượng.

Sibutramine (tên thương mại meridia ở Hoa Kỳ, reductil ở Châu Âu và các nước khác), thường là sibutramide hydrochloride monohydrate, là một thuốc dùng đường uống để điều trị béo phì. Sử dụng sibutramine cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để điều trị bệnh béo phì...

Nhiều sản phẩm giảm cân chứa sibutramin bán tràn lan trên thị trường

Sibutramine thúc đẩy cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, do đó làm giảm lượng thức ăn ăn vào.

2. Tác dụng phụ của sibutramine

Sibutramine có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm:

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Khô miệng, đau bụng;
  • Thay đổi khẩu vị;
  • Táo bón, đau dạ dày;
  • Nhức đầu, đau lưng, đau khớp;
  • Cảm thấy lo lắng, chóng mặt hoặc chán nản;
  • Triệu chứng cúm, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho;
  • Cảm giác nóng, đỏ hoặc ngứa ran dưới da;
  • Khó ngủ (mất ngủ);
  • Phát ban da nhẹ…

Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh, dồn dập hoặc không đều;
  • Khó thở mới hoặc trầm trọng hơn;
  • Kích động, ảo giác, sốt, run, phản xạ hoạt động quá mức, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mất khả năng phối hợp, giãn đồng tử;
  • Co cứng cơ, sốt cao, đổ mồ hôi, lú lẫn, cảm giác như sắp ngất đi;
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (chảy máu cam, chảy máu nướu răng hoặc chảy máu không ngừng);
  • Huyết áp cao nguy hiểm (nhức đầu dữ dội, mờ mắt, ù tai, lo lắng, co giật);
  • Đau ngực hoặc cảm giác nặng nề, đau lan xuống cánh tay hoặc vai, cảm giác ốm yếu toàn thân;
  • Tê hoặc yếu đột ngột (đặc biệt là ở một bên cơ thể), các vấn đề về thị giác, lời nói hoặc thăng bằng…
  • Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: Nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng…

3. Những trường hợp không được dùng sibutramine

- Không sử dụng sibutramine nếu bạn đã dùng thuốc ức chế MAO như furazolidone (furoxone), isocarboxazid (marplan), phenelzine (nardil), rasagiline (azilect), selegiline (eldepryl, emsam) hoặc tranylcypromine (parnate) trong 14 ngày qua. Các tác dụng phụ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng có thể xảy ra nếu bạn sử dụng sibutramine trước khi chất ức chế MAO đào thải khỏi cơ thể.

- Không nên dùng thuốc này nếu bạn bị dị ứng với sibutramine hoặc nếu bạn có:

  • Tăng huyết áp nặng hoặc không kiểm soát được (huyết áp cao);
  • Rối loạn ăn uống (chán ăn hoặc ăn vô độ);
  • Tiền sử bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch);
  • Tiền sử bệnh tim (suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim);
  • Tiền sử đau tim hoặc đột quỵ;
  • Đang dùng thuốc giảm cân kích thích…

- Không dùng thuốc này cho bất cứ ai dưới 16 tuổi.

4. Những loại thuốc khác sẽ ảnh hưởng đến sibutramine?

- Các loại thuốc khiến bạn buồn ngủ, chẳng hạn như thuốc trị cảm lạnh hoặc dị ứng, thuốc an thần, thuốc giảm đau có chất gây mê, thuốc ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị co giật, trầm cảm hoặc lo âu). Khi dùng cùng sibutramine sẽ làm tăng tác dụng an thần, buồn ngủ cho người dùng..

- Nhiều loại thuốc có thể tương tác bất lợi với sibutramine:

  • Lithium
  • Tryptophan hoặc L-tryptophan;
  • Thuốc chống nấm ketoconazol (nizoral);
  • Kháng sinh như erythromycin;
  • Thuốc chống trầm cảm như citalopram (celexa), desvenlafaxine (pristiq), duloxetine (cymbalta), fluoxetine (prozac, sarafem, symbyax), paroxetine (paxil), sertraline (zoloft), venlafaxine (effexor) và các loại khác;
  • Thuốc ergot như dihydroergotamine (DHE 45, thuốc xịt mũi migranal), ergonovine (ergotrate), ergotamine (ergomar) hoặc methylergonovine (methergine).
  • Thuốc trị đau nửa đầu như sumatriptan (imitrex) hoặc zolmitriptan (zomig); 
  • Thuốc giảm đau gây mê như fentanyl (actiq, duragesic, fentora, onsolis), meperidine (demerol), pentazocine (talwin)…

Danh sách này chưa đầy đủ và các loại thuốc khác có thể tương tác với sibutramine. Điều này bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và các sản phẩm thảo dược mà bạn đang dùng.

5. Tại sao sibutramine lại là chất cấm?

Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng lại ảnh hưởng xấu tới tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc đột quỵ... Chất này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.

Do là một chất kích thích tác dụng tập trung có liên quan về mặt hóa học với amphetamine, do đó sibutramine được phân loại là chất được kiểm soát theo Bảng IV ở Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2010, sibutramine đã bị rút khỏi thị trường Canada và Mỹ do lo ngại thuốc làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim.

Tại Việt Nam, ngày từ năm 2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine. Ngày 14 tháng 04 năm 2011 Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn (số 5149/QLD-CL) đình chỉ lưu hành trên toàn quốc các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine và thu hồi toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine, do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine.

Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Thông tư số 10/2021/TT-BYT). 

6. Cảnh giác với các sản phẩm giảm cân chứa chất cấm

sibutramine-la-gi-tai-sao-lai-la-chat-cam-1

Sibutramine thường là thành phần ‘ẩn’ trong các sản phẩm giảm cân không được nhà sản xuất công bố hoặc ghi trên nhãn.

"Sự hiện diện của sibutramine trong các sản phẩm giảm cân (trà giảm cân, nước detox giảm cân, cà phê giảm cân… thường là thành phần "ẩn", không được nhà sản xuất công bố hoặc ghi trên nhãn. Đây chính là điều nguy hại cho người dùng."

Trên thực tế, rất nhiều các sản phẩm giảm cân được quảng cáo là an toàn, ‘tự nhiên’, nhưng lại chứa chất cấm như sibutramine. FDA liên tục thông báo thu hồi các sản phẩm giảm cân do phát hiện chứa chất cấm này. Tại Việt Nam cũng đã thu hồi nhiều sản phẩm giảm cân do phát hiện có chứa chất cấm sibutramine.

Không có cách nào nhanh chóng và dễ dàng để giảm cân. Việc kiểm soát cân nặng cần đạt được thông qua sự kết hợp giữa chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục phù hợp. Nếu bạn cần trợ giúp để quản lý cân nặng của mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Để an toàn, người tiêu dùng nên:

+ Thận trọng khi mua những sản phẩm giảm cân bán trực tuyến hoặc xách tay... Bạn không thể chắc chắn những sản phẩm này được sản xuất ở đâu và như thế nào. Chúng có thể chứa các thành phần cấm, ân có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.

+ Hãy cảnh giác với những sản phẩm có tuyên bố cường điệu về việc giảm cân nhanh chóng mà không cần tập thể dục hoặc kiểm soát chế độ ăn kiêng hoặc mang lại hiệu quả nhanh chóng đến không ngờ. Chúng có thể chứa các thành phần mạnh có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.

+ Hãy ngừng dùng các sản phẩm này ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc lo lắng về sức khỏe của mình.

Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4703201
  • Hàng tháng1673
  • Hôm nay444
  • Đang Online5