- Folder Tin tổng hợp
- Views 3489
- Last Updated 10/02/2023
Miền Bắc đang trong giai đoạn nồm ẩm, thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Đây không chỉ là thời điểm nhiều bệnh có nguy cơ phát triển và lây lan như hô hấp mà các bệnh do ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng.
1. Trời càng nồm càng phải đề phòng với ngộ độc thực phẩm
Trong suốt kỳ nghỉ Tết kéo dài với nhiều bữa cỗ, liên hoan, tiệc tùng lại đến rằm tháng Giêng, lễ hội tại nhiều địa phương, việc phải ăn cỗ "trường kỳ" khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa.
Chưa kể, miền Bắc đã bước vào mùa nồm, thời tiết ẩm ướt không chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do độ ẩm trong không khí cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lan truyền.
Độ ẩm cao dễ làm thực phẩm hư hỏng vì độ ẩm thúc đẩy sự phát triển và lây lan của vi sinh vật, ngay cả ở những khu vực được đánh giá cảm quan là sạch sẽ. Nguyên do bởi độ ẩm ngưng tụ có thể hình thành trên thiết bị chế biến thực phẩm và trong khu vực lưu trữ thực phẩm.
Ngoài ra, độ ẩm trong không khí còn làm giảm chất lượng sản phẩm và thời hạn sử dụng. Nếu thực phẩm khô tiếp xúc với độ ẩm, nấm mốc và vi khuẩn phát triển có thể dẫn đến hư hỏng và các bệnh do thực phẩm gây ra.
Độ ẩm trong không khí cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi. Ảnh minh họa
Những ngày nồm vừa qua, ông Nguyễn Văn Th. (Ngô Quyền, Hải Phòng) suốt ngày lo đun nấu lại các món ăn trong đợt Tết và rằm tháng Giêng, thậm chí ông phải cho các món như gà luộc, giò, thịt lợn vào kho chung, ăn mãi không hết mà bỏ đi thì tiếc của. Ông chia sẻ, rút kinh nghiệm không mua nhiều thực phẩm nữa để tránh cảnh khổ vì thức ăn.
Còn bà Đàm Thị Nh. (Lạch Tray, Hải Phòng) lại thường xuyên có thói quen thức ăn thừa của bữa trưa dù là cỗ hay cơm thường ăn không hết chỉ đậy lồng bàn đến chiều sẽ đun nóng lại, bữa tối ăn không hết mới cất tủ lạnh mà không biết rằng đây là thói quen có hại cho sức khỏe.
Thực tế, rất nhiều người cho rằng thức ăn chỉ cần cất vào tủ lạnh nếu để qua đêm chứ ban ngày chỉ cần đậy lồng bàn thông thoáng, đồ ăn cất vào tủ lạnh sẽ mất ngon. Đây chính là quan niệm sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
BSCKII. Đinh Qúy Minh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị tư vấn, những người nội trợ cố gắng tính toán nấu ăn cho vừa đủ mỗi bữa, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn vì kể cả trong quá trình ăn vẫn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh.
Người nội trợ nên tính toán khẩu phần ăn hợp lý và cần bảo quản đúng cách thức ăn thừa.
2. Ai có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm?
Sau bữa cỗ buổi tối hôm trước, chị Nguyễn T. V. (Trần Nhật Duật, Hải Phòng) bắt đầu đau bụng lúc 5h sáng hôm sau, cơn đau lúc đầu chỉ hơi quặn lên sau đau tăng nặng và dồn dập ở vùng thượng vị, không có hiện tượng đi ngoài hay nôn ói.
Chị V. đi khám tại bệnh viện, kết quả siêu âm không có dấu hiệu viêm tụy, siêu âm ống tiêu hóa cho thấy các quai ruột không giãn, thành mỏng, không có hình ảnh ruột thừa to hay thâm nhiễm mỡ lân cận, tuy nhiên xét nghiệm máu bạch cầu tăng lên rất cao so với khoảng tham chiếu là 4.000 - 10.000/mm3 máu. Mà một trong những nguyên nhân khiến cơ thể sản xuất bạch cầu nhiều bất thường là mắc bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng…
BSCKI. Nguyễn Quốc Cường chẩn đoán chị V. bị ngộ độc thực phẩm mặc dù những người cùng ăn cỗ không có biểu hiện ngộ độc, tuy nhiên bác sĩ lưu ý vẫn cần theo dõi dấu hiệu của viêm ruột thừa cấp.
Bất kể ai cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn phải thực phẩm có một số vi khuẩn như Salmonella hoặc E.coli... Các triệu chứng của mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại vi khuẩn nuốt phải. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, trong nhiều trường hợp diễn tiến nặng do chủ quan gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng.
3. Điểm mặt tác nhân giấu mặt gây ngộ độc
+ Staphylococcus aureus (Staph):
Nhiễm trùng thực phẩm do độc tố tụ cầu gây ra do ăn phải ngoại độc tố của tụ cầu. Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn bởi người mang vi khuẩn hoặc những người bị nhiễm trùng da. Trong thực phẩm chưa nấu chín hoặc để ở nhiệt độ trong phòng, tụ cầu tạo ra ngoại độc tố.
Nhiều thực phẩm thuận lợi cho tụ cầu và mặc dù bị ô nhiễm, vẫn có mùi vị bình thường. Buồn nôn và nôn nặng bắt đầu từ 2 đến 8 giờ sau khi nuốt phải, thường là sau khi bị đau quặn bụng và tiêu chảy. Diễn biến nhanh, thường kéo dài < 12 giờ.
Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu là do một loại độc tố được tạo thành từ vi khuẩn Staphylococcus aureus đã làm ô nhiễm thực phẩm.
+ Clostridium perfringens:
Ngộ độc thực phẩm do Clostridium perfringens gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Các triệu chứng là tiêu chảy ra nước và đau quặn bụng, co thắt dạ dày. Nôn và sốt thường không phổ biến, các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột và kéo dài dưới 24 giờ.
+ Norovirus:
Norovirus thường gây ra khởi phát cấp tính các triệu chứng nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy, thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Ở trẻ em, nôn nổi bật hơn tiêu chảy, trong khi ở người lớn, tiêu chảy thường chiếm ưu thế. Mất nước khác nhau từ mất nước nhẹ đến nặng.
+ Salmonella:
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây tình trạng nghiêm trọng. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy có thể ra máu, sốt và co thắt dạ dày, nôn mửa.
Nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây tình trạng nghiêm trọng.
+ Clostridium botulinum (Botulism):
Các triệu chứng bắt đầu đột ngột, thường là từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn phải độc tố, mặc dù giai đoạn ủ bệnh có thể thay đổi từ 4 giờ đến 8 ngày. Buồn nôn, nôn mửa, đau thắt bụng, và tiêu chảy thường xảy ra trước các triệu chứng thần kinh với biểu hiện nhìn đôi hoặc mờ, mí mắt rủ xuống, nói chậm, khó nuốt, thở và khô miệng, yếu cơ và tê liệt và các triệu chứng bắt đầu nặng dần khi mức độ ngộ độc tăng lên.
+ Vi khuẩn Campylobacter:
Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 2 - 5 ngày với biểu hiện tiêu chảy (thường ra máu), đau quặn/đau bụng, sốt.
Triệu chứng ban đầu thường bao gồm đau bụng, tiêu chảy cấp và nôn mửa. Thường không có nôn dữ dội. Mất nước qua phân có thể hơn 1 L/h nhưng thường ít hơn nhiều. Đa số phân chứa chất lỏng trắng (phân nước vo gạo).
+ E.coli ( Escherichia coli):
Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 3 - 4 ngày với biểu hiện đau bụng dữ dội, tiêu chảy thường ra máu và nôn. Khoảng 5 - 10% số người được chẩn đoán nhiễm trùng này sẽ phát triển biến chứng đe dọa tính mạng.
An toàn thực phẩm, chế biến và bảo quản hợp vệ sinh để phòng thực phẩm nhiễm khuẩn.
Những loại vi khuẩn nói trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, do đó mọi người cần tránh có tâm lý chủ quan ngộ độc thực phẩm chỉ là rối loạn tiêu hóa có thể tự khỏi sau vài ngày, chỉ cần vài liều thuốc cầm tiêu chảy hoặc kiêng khem mấy bữa.
Thực tế, có những ca ngộ độc cùng một nguyên nhân nhưng diễn biến sức khỏe của mỗi người lại khác nhau, có người sớm hồi phục nhưng có người lại có nguy cơ tử vong rất cao. Điển hình như vụ ngộ độc chè mới đây tại An Giang, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới ghi nhận 88 người nghi ngộ độc sau khi ăn món chè đậu trắng, 35 ca nặng phải nhập viện, 4 ca phải chuyển lên tuyến trên do sốc nhiễm trùng, trong đó có bệnh nhân được chẩn đoán suy đa tạng, phải lọc máu liên tục và điều trị hồi sức tích cực, 1 bệnh nhân không qua khỏi.
4. Các triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm
Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên giảng viên bộ môn tiêu hóa Học viện Quân y, khi có các dấu hiệu đau bụng, người bệnh và người nhà không nên chủ quan, chú ý theo dõi tình trạng của người bệnh, có thể nghĩ đến ngộ độc thực phẩm nếu sau ăn uống có các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy
- Đau dạ dày hoặc đau co thắt
- Buồn nôn, nôn mửa
- Sốt
Lưu ý, nên đi đến bệnh viện ngay nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng như: tiêu chảy ra máu, tiêu chảy kéo dài, sốt cao, nôn nhiều và có dấu hiệu mất nước...
Ngộ độc thực phẩm không đơn giản chỉ là rối loạn tiêu hóa mà có thể gây những biến chứng nghiêm trọng.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai: Ngộ độc thực phẩm do các nguyên nhân như: thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn), hoặc thực phẩm bị nhiễm hóa chất, hoặc bản thân thực phẩm đó có độc tố như sắn, măng, cá nóc…
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hóa hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các dấu hiệu dưới đây:
- Các triệu chứng thần kinh: đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.
- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
- Có máu hoặc chất nhày trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.
- Sức đề kháng của cơ thể kém: Trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch (thường dùng trong bệnh khớp, ung thư, dị ứng), suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố…
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/mua-nom-keo-dai-canh-giac-voi-vi-khuan-giau-mat-gay-ngo-doc-tu-thoi-quen-an-uong-cua-nhieu-nguoi-169230205232759538.htm