Vì sao thiếu hay thừa vitamin K đều nguy hiểm?

Vitamin K đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đông máu, ngăn ngừa chảy máu quá nhiều. Tuy nhiên, thừa hay thiếu vitamin K đều có thể khiến cơ thể gặp rắc rối…

Vai trò của vitamin K

Vitamin K là một nhóm các hợp chất, quan trọng nhất là vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K1 có nhiều trong các loại rau xanh. Vitamin K2 chủ yếu thu được từ sữa , lòng đỏ trứng, gan động vật, thịt lợn, bò và được tổng hợp bởi vi khuẩn.

Vì sao thiếu hay thừa vitamin K đều nguy hiểm?

Vitamin K1 có nhiều trong các loại rau xanh.

Vitamin K có vai trò quan trọng giúp không bị rối loạn đông máu, tăng cường chức năng của tế nào nội mô mạch máu, chống xơ vữa động mạch, chống tắc nghẽn mạch, tránh nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực. Đồng thời giúp gắn ion canxi vào khung xương, ngăn ngừa loãng xương.

Mối nguy khi thiếu hoặc thừa

Thiếu vitamin K thường gặp ở trẻ sơ sinh do chức năng gan chưa trưởng thành và sự vận chuyển vitamin K qua nhau thai hoặc sữa mẹ thấp. Nếu không dùng vitamin K dự phòng khi sinh, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị chảy máu do thiếu vitamin K, trước đây được gọi là bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

 Rối loạn này liên quan đến chảy máu da, niêm mạc, đường tiêu hóa và xuất huyết não - màng não ở trẻ sơ sinh, bệnh thường xảy ra trong tuần đầu tiên sau sinh. Một số trẻ có thể xuất hiện muộn cho đến tám tháng tuổi, thường ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn. Để ngăn ngừa chảy máu do thiếu vitamin K, trẻ sơ sinh ngay sau sinh sẽ được tiêm một liều vitamin K, thường dùng là vitamin K1.

Vitamin K tan trong dầu, chức năng của tụy hay gan mật cũng như bữa ăn có chất béo có ảnh hưởng đến hấp thụ vitamin K.

 Những người mắc bệnh ảnh hưởng đến sự hấp thụ trong đường tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac; dùng thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin K; bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng; uống rượu nhiều… sẽ có nguy cơ thiếu loại vitamin này. Đồng nghĩa có thể dễ bị chảy máu như răng lợi hay các vết bầm tím trên da, khi đó có thể sẽ phải bổ sung vitamin K.

Thừa vitamin K thường gặp khi dùng đường tiêm kéo dài. Hậu quả là có thể gây tan máu và vàng da.

Có cần phải bổ sung vitamin K hàng ngày?

Nhu cầu hàng ngày của vitamin K là 90 microgam ở phụ nữ và 120 microgam ở nam giới; đối với trẻ em nhu cầu của trẻ khác nhau từ 400 đến 900 microgam mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Vitamin K có trong nhiều loại thực phẩm, với chế độ ăn thông thường ở những người khỏe mạnh việc bổ sung vitamin K thường quy là không cần thiết.

Vì sao thiếu hay thừa vitamin K đều nguy hiểm? - Ảnh 1

Vitamin K2 có trong lòng đỏ trứng, thịt lợn, bò…

Với trẻ em, vitamin K2 cùng vitamin D có vai trò quan trọng giúp khoáng hóa xương, do đó nhiều phụ huynh tìm mua để mong "tăng chiều cao" cho con. Đây là một hiểu lầm phổ biến. Với trẻ khỏe mạnh, ngoài được cung cấp từ thực phẩm, các lợi khuẩn đường ruột cũng giúp cơ thể tổng hợp để đủ nhu cầu vitamin K2 hàng ngày. Hiện tại, chưa có một khuyến nghị nào của các hiệp hội y tế khuyến cáo bổ sung vitamin K2 hàng ngày để tăng chiều cao cho trẻ.

Một số người có bệnh lý gan mật, suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý ruột mạn tính cần uống vitamin K cùng với hàm lượng có trong thực phẩm hoặc chất bổ sung thường không gây hại gì. Tuy nhiên, với liều lượng cao vẫn có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Các tác dụng phụ khi dùng quá liều vitamin K như tan máu, gan to, xanh xao, tăng tiết mồ hôi, khó thở, cứng cơ, giảm vận động, đỏ da, sung mí mắt…

Các nguồn thực phẩm tự nhiên giàu vitamin K bao gồm: Các loại rau như rau bina, măng tây và bông cải xanh; Các loại đậu như đậu nành.

Mặc dù, tác dụng phụ của vitamin K uống ở liều khuyến cáo là rất hiếm. Tuy nhiên, cần lưu ý, nhiều loại thuốc có thể cản trở tác dụng của vitamin K: Thuốc kháng axit, thuốc làm loãng máu, kháng sinh, aspirin và thuốc điều trị ung thư, co giật, cholesterol cao và các bệnh khác. Không nên tự ý bổ sung vitamin K trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: BS. Trần Đồng - Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4907245
  • Hàng tháng137
  • Hôm nay61
  • Đang Online0