- Folder Tin chứng nhận
- Views 1069
- Last Updated 20/05/2023
Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy thực hiện bởi bên thứ ba giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất chứng minh sự phù hợp của sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu quy định một cách khách quan. Trong những năm qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (NIFC) đã chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy và chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm cho một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.
Chứng nhận là sự xác nhận phù hợp của bên thứ ba liên quan đến đối tượng đánh giá sự phù hợp và không bao gồm công nhận [TCVN ISO 17000:2020]. Chứng nhận là một trong những hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Đánh giá sự phù hợp là việc chứng tỏ rằng các yêu cầu quy định (quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật) được thực hiện [TCVN ISO 17000:2020].
Đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi bên thứ nhất (cá nhân hoặc tổ chức cung cấp đối tượng đánh giá sự phù hợp hoặc chính là đối tượng đánh giá sự phù hợp), bên thứ hai (cá nhân hoặc tổ chức có mối quan tâm của người sử dụng đối với đối tượng đánh giá sự phù hợp) hoặc bên thứ ba (cá nhân hoặc tổ chức độc lập với nhà cung cấp đối tượng đánh giá sự phù hợp và không có mối quan tâm của người sử dụng đối với đối tượng) [TCVN ISO 17000:2020].
Lợi ích của chứng nhận
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi thực phẩm muốn duy trì và phát triển hoạt động cần kiểm soát toàn diện các quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay với tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường, vấn đề uy tín, thương hiệu đang được không ít các doanh nghiệp quan tâm.
Để khẳng định chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy là yêu cầu cần thiết giúp tổ chức khẳng định thương hiệu và hàng hóa trên thị trường. Chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy là việc đánh giá, xác nhận đối tượng phù hợp với tiêu chuẩn/quy chuẩn tương ứng. Chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy là minh chứng cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng đúng các yêu cầu của quy chuẩn/tiêu chuẩn tương ứng. Đó cũng là minh chứng cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật, giúp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong khách hàng và các đối tác. Chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh do hạn chế được tối đa các chi phí xử lý sai sót, lỗi hỏng trong quá trình sản xuất.
Hơn nữa, trong xu thế hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp trong chuỗi thực phẩm có xu hướng mở rộng thị phần và được công nhận không chỉ trong nước mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo ISO 22000 cho doanh nghiệp giúp tạo uy tín, sự minh bạch trong sản xuất, kinh doanh chuỗi thực phẩm. Doanh nghiệp được chứng nhận ISO 22000 có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, giúp kiểm soát tốt các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng, uy tín cho người tiêu dùng. Chứng nhận theo ISO 22000 cũng giúp doanh nghiệp cải tiến liên tục trong hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro, giảm các khiếu nại phàn nàn của khách hàng. Hiện nay, tại Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 thì không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hoạt động chứng nhận tại NIFC
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi thực phẩm tạo thương hiệu, uy tín, NIFC đã triển khai hoạt động đánh giá chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy kể từ năm 2012 và đánh giá chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm theo ISO 22000/TCVN 5603 từ năm 2019. Hoạt động chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy được thực hiện đối với các sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được công nhận có đủ năng lực tiến hành đánh giá và chứng nhận sản phẩm phù hợp theo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065:2012.
NIFC cũng được công nhận là tổ chức chứng nhận Hệ thống Quản lý An toàn thực phẩm (Food Safety Management System – FSMS) phù hợp theo ISO/IEC 17021-1:2015 và ISO/TS 22003:2008, khẳng định Viện đủ năng lực thực hiện đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN ISO 22000, TCVN 5603 (HACCP).
NIFC đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kin doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.
Ưu điểm của dịch vụ chứng nhận do NIFC thực hiện: Đội ngũ chuyên gia đánh giá có nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản; Chi phí thực hiện hợp lý và phù hợp, công khai với khách hàng mọi chi phí trong quá trình chứng nhận; Thủ tục đơn giản, thời gian thực hiện nhanh; Bảo mật thông tin trong quá trình chứng nhận; Khách hàng sẽ được hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm, miễn phí các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và giải đáp mọi thắc mắc khi cần;
Một số hình ảnh hoạt động chứng nhận của Viện:
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đánh giá chứng nhận ISO 22000 cho doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn – tháng 7/2022
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đánh giá chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất sữa và sản phẩm sữa – tháng 4/2023
Với vai trò là đơn vị đánh giá sự phù hợp, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy, Viện luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong kiểm soát chất lượng với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn. Nếu bạn là một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần, tăng cường khả năng hợp tác, hãy liên hệ với NIFC để được hỗ trợ tốt nhất.