- Folder Tin hoạt động
- Views 31
- Last Updated 18/12/2024
Từ ngày 29/10/2024 đến ngày 30/10/2024, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia – Bộ Y tế đã tham gia Kỳ họp lần thứ 25 của Ủy ban Phòng Kiểm nghiệm Thực phẩm ASEAN (Meeting of The Asean Food Testing Laboratory Committee – AFTLC), tại Đà Nẵng, Việt Nam. Kỳ họp có sự tham dự của các quốc gia thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN và đoàn đại biểu của Timor-Leste.
Hình 1. Toàn thể các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Kỳ họp
Bà Laila Rabaah Ahmad Suhaimi, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng thí nghiệm, Chương trình Chất lượng và an toàn Thực phẩm, Bộ Y tế Malaysia điều hành Kỳ họp lần thứ 25 của Ủy ban Phòng Kiểm nghiệm Thực phẩm ASEAN thảo luận và đi đến thống nhất một số nội dung như sau:
1. Tóm tắt những công việc nối tiếp từ Kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban Phòng Kiểm nghiệm Thực phẩm ASEAN.
2. Báo cáo các hoạt động giám sát của các Phòng kiểm nghiệm kiểm chứng thực phẩm ASEAN (ASEAN Food Reference Laboratories – AFRL), gồm có: (a) Đánh giá trực tiếp đối với AFRL phụ gia thực phẩm, AFRL vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, AFRL các chất gây ô nhiễm môi trường, AFRL đối với độc tố sinh học biển và scromboid và (b) Sắp xếp chu kỳ đánh giá trực tiếp 5 năm tiếp theo cho các AFRL còn lại.
3. Những nội dung cập nhật mới của Sổ tay AFTLC, gồm có (a) Các tiêu chí về chuyên gia đánh giá AFTLC, (b) Một số đề xuất sửa đổi tiêu chí tham khảo về Nhóm chuyên gia (Pool of Experts) và (c) Cập nhật danh sách chuyên gia.
Hình 2. Đoàn Việt Nam tham dự với Trưởng đoàn là PGS.TS. Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (ngoài cùng bên trái)
4. Hoạt động của các Phòng kiểm nghiệm kiểm chứng thực phẩm ASEAN (AFRL)
4.1. Đối với các lĩnh vực mới đang được quan tâm:
(a) Thông báo về thành lập AFRL về phóng xạ hạt nhân,
(b) Thiết lập lĩnh vực mới của AFRL về chất ô nhiễm trong thực phẩm chế biến và thông báo về việc bắt đầu nhận đơn đăng ký của các đơn vị quan tâm,
(c) Thảo luận về sự cần thiết về AFRL lĩnh vực xác định loài.
4.2. Báo cáo 5 năm hoạt động của các AFRL hiện hành, gồm có:
(a) AFRL lĩnh vực độc tố vi nấm – Singapore
(b) AFRL lĩnh vực phụ gia thực phẩm - Indonesia
(c) AFRL lĩnh vực vật liệu tiếp xúc với thực phẩm - Thái Lan
(d) AFRL lĩnh vực các chất gây ô nhiễm môi trường – Singapore
(e) AFRL lĩnh vực độc tố sinh học biển và scombrotoxin - Singapore
(f) AFRL lĩnh vực sinh vật biến đổi gen (GMO) – Malaysia
(g) AFRL lĩnh vực kim loại nặng và nguyên tố vi lượng – Thái Lan
(h) AFRL lĩnh vực dư lượng thuốc thú y – Thái Lan
(i) AFRL lĩnh vực dư lượng thuốc trừ sâu – Singapore
(j) AFRL lĩnh vực vi sinh trong thực phẩm – Việt Nam
5. Giới thiệu Ấn bản AFTLC số thứ 5 và các kế hoạch làm việc trong kỳ họp tới: theo đó, dự thảo số thứ 5 về hoạt động nổi bật của các AFRL đã được Singapore trình bày tại kỳ họp, dự thảo số thứ 6 sẽ do Việt Nam với vai trò đầu mối và trình bày tại kỳ họp tới. Ngoài ra, ban thư ký ASEAN sẽ phổ biến dự thảo cập nhật Kế hoạch làm việc AFTLC cho các quốc gia thành viên ASEAN để đưa ra ý kiến góp ý bổ sung.
Kỳ họp ghi nhận những tiến bộ đạt được từ các Phòng kiểm nghiệm kiểm chứng ASEAN. Tại đây, các đại biểu đến từ Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan bày tỏ sự đánh giá cao đối với Việt Nam đã chủ trì tổ chức kỳ họp, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Ban Thư ký ASEAN đã tạo điều kiện và hỗ trợ để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tham gia AFTLC với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam từ năm 2010 và đạt được nhiều bước tiến đáng kể, bao gồm việc nâng cao năng lực kiểm nghiệm và đánh giá an toàn thực phẩm; tham gia nhiều khóa đào tạo và hội thảo chuyên môn, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ kiểm nghiệm thực phẩm; cử chuyên gia tham gia các đoàn đánh giá AFRL; thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các phòng thí nghiệm và tổ chức quốc tế, góp phần vào việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Những thành tựu này đã và đang góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về lĩnh vực an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững trong khối ASEAN.