Hướng dẫn đọc nhãn sản phẩm thực phẩm

Các sản phẩm thực phẩm khi được lưu thông trên thị trường đều có những thông tin cần thiết trên nhãn mác bao bì. Các thông tin này bao gồm thành phần dinh dưỡng, tính năng, khuyến cáo, nhà sản xuất,.... Việc đọc và hiểu đúng nhãn mác để lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng là thói quen cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng. Dưới đây là hướng dẫn đọc nhãn sản phẩm thực phẩm để đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bạn và gia đình!

Các sản phẩm thực phẩm ngày càng được sản xuất đa dạng và phong phú về thể loại, hình thức, màu sắc, hương vị và sự tiện lợi. Các nhà kinh doanh thực phẩm ngày càng biết cách chiều theo tâm lý người tiêu dùng khi liên tục cho ra các sản phẩm bắt mắt, hương vị tốt và tiện lợi để thu hút người tiêu dùng. Kết quả là các quyết định mua sản phẩm được đưa ra một cách dễ dàng, tuy nhiên, liệu chúng ta có đang phải những người tiêu dùng thông thái khi biết cách đọc nhãn thành phần sản phẩm trước khi đặt vào giỏ hàng, hay chúng ta bỏ qua vì tên thương hiệu và độ “hot” của sản phẩm trên các phương tiện truyền thông quảng cáo? 
1. Sự cần thiết của việc đọc nhãn sản phẩm thực phẩm
Các sản phẩm thực phẩm thường được bao gói trong bao bì đa dạng và phong phú về thể loại, hình thức và kết cấu nhằm mục

đích thu hút người tiêu dùng, muốn hiểu rõ bản chất sản phẩm chỉ có thể bằng cách đọc nhãn sản phẩm thực phẩm. Nhãn sản phẩm giúp cung cấp một số thông tin về sản phẩm đó như tên gọi, hương vị, màu sắc, thành phần dinh dưỡng, v.v. qua đó người tiêu dùng biết được ngay có phù hợp với mục đích sử dụng của mình hay không.
Việc không quan tâm hay không đọc một số thông tin cần thiết trên nhãn sản phẩm có thể dẫn đến mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc đã quá hạn sử dụng, thậm chí khi không đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và bảo quản dẫn đến sử dụng, bảo quản sai cách gây nên những ảnh hưởng nguy hại cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, thực phẩm chứa các thành phần gây dị ứng ở người như lactose, gluten,… hay các loại hạt, tôm,… Đây là các tác nhân chỉ gây dị ứng ở một nhóm nhỏ người tiêu dùng tuy nhiên khi đã đi vào cơ thể, người tiêu thụ bị dị ứng có thể bị sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da; nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, thậm chí là tử vong.
2. Những thông tin trên nhãn sản phẩm thực phẩm
Chi tiết về các thông tin ghi nhãn, thành phần dinh dưỡng, vị trí ghi nhãn, màu sắc, kí hiệu, hình ảnh sản phẩm, ngôn ngữ và nội dung được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hoá và Thông tư số 29/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Nhìn chung, trên nhãn sản phẩm thực phẩm cần có những thông tin tối thiểu như sau:
•    Tên và nhãn hiệu của sản phẩm;
•    Thành phần (được liệt kê theo thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất theo trọng lượng, có thể bao gồm cả tỷ lệ phần trăm các thành phần có trong sản phẩm) - bao gồm danh sách các chất phụ gia thực phẩm và thông tin dành cho những người bị dị ứng thực phẩm;
•    Thông tin dinh dưỡng;
•    Ngày sản xuất, hạn sử dụng, lô sản xuất (nếu có) và hướng dẫn sử dụng và bảo quản;
•    Chi tiết về nhà sản xuất và quốc gia nơi thực phẩm được sản xuất;
•    Khối lượng sản phẩm;
Các thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm cần được thể hiện bao gồm:
•    Năng lượng (kcal);
•    Chất đạm (g);
•    Carbohydrat (g);
•    Chất béo (g);
•    Natri (mg).
•    Riêng nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác phải ghi thêm đường tổng số.
•    Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: Phải ghi thêm chất béo bão hòa.
Các thông tin này giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định về thực phẩm cần mua và ăn để có chế độ ăn uống mong muốn.

hinh-anh-thong-tin-thanh-phan

Hình ảnh về thông tin thành phần, thông tin dị ứng và thông tin dinh dưỡng

3. Cách đọc bảng thông tin dinh dưỡng
Bảng thông tin dinh dưỡng cung cấp thông tin về kích thước của một khẩu phần tiêu chuẩn của sản phẩm và những thành phần dinh dưỡng có trong khẩu phần đó. Tiêu biểu:
•    Năng lượng (được đo bằng KJ): Năng lượng là một thành phần quan trọng để duy trì các hoạt động của cơ thể. Việc tính toán lượng calo tiêu thụ giúp kiểm soát vấn đề cân nặng (tăng cân/ giảm cân phụ thuộc vào lượng calo nạp nhiều hay ít). Ví dụ: để giảm cân, cần ăn và uống ít kilojoules (kJ) hơn. 
•    Protein: Protein có trong thịt, gia cầm, sữa, cá, trứng, đậu, đậu nành, các loại hạt. Protein rất quan trọng cho sự tăng trưởng và có cùng lượng calo như carbohydrate.
•    Chất béo: Chất béo có lượng calo cao hơn các chất dinh dưỡng khác, vì vậy đây là thành phần cần chú ý trong kiểm soát khẩu phần ăn nên hạn chế tổng lượng ăn.
•    Chất béo bão hòa: Có nhiều loại chất béo khác nhau. Chất béo bão hòa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol trong máu cao hơn, vì vậy điều đặc biệt quan trọng là chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa.
•    Carbohydrate (tổng số): Carbohydrate là thành phần tạo năng lượng, được tìm thấy trong tất cả các loại bánh mì, các sản phẩm ngũ cốc, đường và thực phẩm có đường. Đường: là một loại carbohydrate. Nhưng cần hạn chế những thực phẩm có nhiều đường bổ sung và thay thế bằng các thành phần sinh năng lượng khác. Carbohydrate lành mạnh: là những loại không qua chế biến hoặc được chế biến tối thiểu như ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. 
•    Chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc giúp cải thiện tiêu hóa mà vẫn cho cảm giác no.
•    Natri: Thông số này cho biết sản phẩm chứa bao nhiêu muối. Ăn quá nhiều muối có liên quan đến huyết áp cao và có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận.
4. Một số lưu ý khi đọc nhãn sản phẩm
•    Kích thước khẩu phần và lượng calo: khẩu phần ăn không phải là khuyến nghị cho mọi người về việc nên ăn bao nhiêu mà là một lượng để tham khảo.
•    Chú thích sản phẩm có đường/ ít đường/ không đường: điều này quan trọng đối với những người có bệnh tiểu đường hoặc những người đang trong chế độ ăn đặc biệt.
•    Các thông tin thành phần dị ứng như lactose, gluten, đậu phộng, đậu nành,...
•    Các thông tin “Sử dụng tốt nhất trước ngày…”, hoặc hạn sử dụng.
•    Các hướng dẫn về điều kiện bảo quản.
Trên đây là một số thông tin về hướng dẫn đọc nhãn sản phẩm thực phẩm, cũng như một số lưu ý trước khi bỏ sản phẩm vào giỏ hàng. Mỗi người tiêu dùng hãy hiểu rõ về những gì sẽ được tiêu thụ vào cơ thể mình để trở thành người tiêu dùng thông thái.
5. Kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ ghi nhãn tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất trực thuộc Bộ Y tế, được chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của cả ba Bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm trọng tài trong cả nước về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước theo đúng chức năng và nhiệm vụ, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm cho khách hàng khi có nhu cầu.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện kiểm nghiệm tất cả các thông số chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ cho việc ghi nhãn sản phẩm theo các quy định của pháp luật. Các phương pháp kiểm nghiệm của Viện đã được công nhận phù hợp theo TCVN ISO/IEC 17025. Cụ thể như sau:

•    Kiểm nghiệm các thành phần dinh dưỡng đáp ứng theo yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng quy định tại Thông tư 29/2023/TT-BYT: năng lượng, carbohydrat không bao gồm xơ, chất đạm, chất béo, natri, đường tổng, chất béo bão hòa và các chỉ tiêu dinh dưỡng khác theo yêu cầu sản phẩm (vitamin, khoáng chất, acid amin, chất xơ…)
•    Kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo một số quy định sau: 
-    Phụ gia thực phẩm đáp ứng yêu cầu tại Thông tư 24/2019/TT-BYT và Thông tư số 17/2023/TT-BYT;
-    Độc tố vi nấm theo yêu cầu tại QCVN 8-1:2011/BYT;
-    Kim loại nặng theo yêu cầu tại QCVN 8-2:2011/BYT;
-    Vi sinh vật theo yêu cầu tại QCVN 8-3:2012/BYT;
-    Hóa chất bảo vệ thực vật theo yêu cầu tại Thông tư 50/2016/TT-BYT;
-    Thuốc thú y theo yêu cầu tại Thông tư số 24/2013/TT-BYT.
•    Kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu của từng loại sản phẩm theo TCCS, TCVN, QCVN

Vũ Thị Nhật Lệ   
Khoa Dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia


Liên hệ tư vấn và gửi mẫu kiểm nghiệm
•    Trụ sở chính: Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
Địa chỉ: 65 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 085 929 9595
Email: baogia@nifc.gov.vn/ nhanmau@nifc.gov.vn
•    Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Cảng Tân Cảng - Cát Lái, Phòng A102, Cổng B Cảng Cát Lái, Số 1295B đường Nguyễn Thị Định, P. Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.37.400.888/ Hotline: 0918.959.678 (Mr. Nghị)
Email: baogia@nifc.gov.vn/ vpsg.nifc@gmail.com
•    Văn phòng đại diện tại Hải Phòng
Địa chỉ: Số 1 Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng
Điện thoại: 0225.8830316/ Hotline: 0983.300.226 (Ms. Thương)
Email: vphp@nifc.gov.vn

 

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập5020754
  • Hàng tháng5978
  • Hôm nay1470
  • Đang Online89