Phòng chống ngộ độc mã tiền

Trong đông y, mã tiền được dùng trong rất nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền, đặc biệt là hạt mã tiền. Hạt có vị đắng, tính lạnh và rất độc, có tác dụng mạnh tỳ vị, thông kinh lạc, tán kết, tiêu thũng, trừ phong thấp và tê bại. Tuy nhiên, khi dùng quá liều mã tiền / hạt mã tiền gây ra các triệu chứng ngộ độc là co giật liên tục, co cứng như uốn ván và tử vong vì liệt hô hấp.

1. Tình hình ngộ độc thực phẩm liên quan đến Mã tiền tại Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có những báo cáo ngộ độc thực phẩm liên quan đến Mã tiền. Trong giai đoạn từ năm 2017-2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc thực phẩm liên quan đến mã tiền, cũng như phân tích xác định nguyên nhân như sau:

  • Tháng 07/2017, tại Quảng Bình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới cấp cứu cho 2 anh em một nhà trong tình trạng nguy kịch, tím tái toàn thân, mạch không, huyết áp không đo được, ngừng thở, phải tích cực cấp cứu ngừng tuần hoàn do uống nhầm rượu ngâm mã tiền xoa bóp tay chân.
  • Tháng 07/2021, tại tỉnh Quảng Bình, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cấp cứu cho 4 nam thanh niên bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm mã tiền trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, tím tái, co giật liên tục, sùi bọt mép.
  • Tháng 11/2022, tại Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cấp cứu kịp thời một bệnh nhân nam 56 tuổi trong tình trạng co cứng 2 chân, không đi lại được. Trước đó, bệnh nhân đã uống rượu ngâm hạt mã tiền (dùng để xoa bóp).
  • Tháng 01/2023, tại tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nam 38 tuổi trong tình trạng tê bì tay chân, tê cứng miệng sau khi uống nước đun từ hạt cây rừng mua ở chợ để chữa đau bụng.

Ngộ độc mã tiền xảy ra chủ yếu do người dân uống nhầm rượu xoa bóp có ngâm hạt mã tiền hoặc nhầm lẫn loại hạt ăn được khác (hạt sành – loại hạt dùng chữ bệnh dạ dày và đại tràng).

Theo kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các vụ ngộ độc đều được xác định là do hoạt chất gây độc điển hình trong mã tiền gồm Strychnine và Brucine.

2. Đặc điểm, phân bố và triệu chứng ngộ độc

2.1 Đặc điểm, phân bố

Mã tiền có tên gọi khác là củ chi, phiên mộc miết, mắc sèn sứ (Tày), co bên kho, co sét ma (Thái). Tên khoa học Strychnos nuxvomica L., thuộc họ Mã tiền Loganiaceae. Ở Việt Nam, có hai loài được khai thác phổ biến với tên khoa học Strychnos nuxvomica L. và Schychnos sp.

Mô tả cây:

  • Cây to, thân đứng cao 5 - 12 m. Cành ngắn, không có móc, đôi khi có gai ở kẽ lá, vỏ màu xám có lỗ ù. Lá mọc đối, hình trứng, gốc tù, đầu nhọn, dài 6 - 12 cm, rộng 3,5 - 8,5 cm, nhẵn và dai, mặt trên màu lục sẫm bóng, gân nổi rõ mặt dưới, cuống lá dài 5 - 10 cm.
  • Cụm hoa mọc ở đầu canh thành chùy dài 3 - 5 cm, có 1 - 2 đôi lá có lông mịn; hoa màu trắng hoặc vàng nhạt; cánh hoa 5; nhị 5, đính ở phía trên ống tràng; bầu hình trứng, nhẵn.

Quả hình cầu, đường kính 3 - 6 cm, vỏ cứng óng, khi chín màu vàng cam hay vàng đỏ, chứa cơm quả màu trắng và 1 - 5 hạt hình tròn dẹt như chiếc khuy áo to, đường kính 2 - 2,5 cm, dày 4 - 5 mm, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt óng ánh tỏa đều từ giữa ra, màu xám. Mùa nở hoa, kết quả: tháng 2 - 8

bo-phan-cay-ma-tien

Hình 1. Bộ phận của cây Mã tiền

(A) – Hoa; (B) – Hạt; (C) – Quả

Mã tiền phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Sri-Lanca, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, bắc Malaysia, Việt Nam. Cây có ở Philippines là do nhập nội, nay đã trở nên hoang dại hóa. Ở Việt Nam, mã tiền chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam, nhiều nhất ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang (đảo Phú Quốc), Gia Lai, Đắk Lắk.

Hạt mã tiền dễ nhầm lẫn với hạt sành (hạt sang) do hình thức hạt giống nhau và tác dụng của hạt Sành được biết đến trong việc chữa bệnh dạ dày và đại tràng:

Bảng 1. Thực vật dễ nhầm lần với cây mã tiền

thuc-vat-de-nham-voi-cay-ma-tien

  1. 2.2 Độc tố của cây mã tiền

Hạt của cây mã tiền được sử dụng làm thuốc hoặc làm nguyên liệu chiết xuất. Trong hạt, thành phần gây độc chủ yếu là Strychnine và Brucine. Hàm lượng Strychnine trong hạt chiếm 50% trong số tổng các alkaloid có trong hạt mã tiền.

doc-to-cua-hat-ma-tien

Hình 2. Độc tố trong hạt Mã tiền

Qua chế biến, thành phần hóa học của mã tiền thay đổi, hàm lượng các alkaloid độc Strychnine và Brucine giảm đi do một phần chuyển thành N-oxyde tương ứng. Các phương pháp sao chế hạt mã tiền:

  • Ngâm hạt trong nước vo gạo một ngày đêm cho tới khi mềm ra, lấy ra bóc vỏ, thái mỏng, sấy khô tán nhỏ.
  • Cho hạt vào dầu vừng đun sôi cho tới khi hạt mã tiền nổi lên thì vớt ra ngay (nếu chậm, hạt bị cháy đen, mất tác dụng). Thái nhỏ sấy khô.
  • Ngâm hạt trong nước thường hay nước vo gạo cho tới mềm. Lấy ra bóc vỏ và lông để riêng, nhân để riêng. Sao vỏ và lông riêng, nhân riêng, rồi tán nhỏ riêng từng thứ.

Mã tiền dùng đúng liều lượng sẽ gây kích thích, tăng trưởng lực cơ và bồi dưỡng cơ thể.  Do có độc tính cao nên mã tiền sống chủ yếu được dùng thoa ngoài còn mã tiền chế có thể được dùng dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc. Khi dùng quá liều gây ra các triệu chứng ngộ độc là co giật liên tục, co cứng như uốn ván và tử vong vì liệt hô hấp.

Liều dùng:

  • Người lớn: Dùng mỗi lần trung bình 0,05 g, tối đa 0,1 g. Trong vòng 24 giờ, trung bình 0,15 g, tối đa 0,3 g.
  • Trẻ từ 3 tuổi trở lên, có thể dùng 0,005 g cho mỗi tuổi.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi, tuyệt đối không sử dụng vị thuốc này.
  • Nếu uống một lần 5 – 20 mg strychnine (thành phần trong cây mã tiền) sẽ bị trúng độc, 30 mg sẽ gây tử vong.

2.3 Triệu chứng ngộ độc

Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện sau khi sử dụng hạt Mã tiền khoảng 15 - 30 phút và kéo dài một vài giờ đến nhiều giờ.

Triệu chứng nhẹ: tăng phản xạ gân xương và co cứng cơ tạo thành tư thế người ưỡn cong như bệnh uốn ván, không có co cứng cơ hô hấp và không có suy hô hấp. Biểu hiện trên cơ mặt: cau có, khó chịu và cố định, cơ miệng co kéo bộc lộ hai hàm răng ra ngoài.

Triệu chứng nặng: co cứng cơ hô hấp gây suy hô hấp và tử vong nếu không được xử trí phù hợp.

3. Phòng chống và xử trí ngộ độc mã tiền

3.1. Xử trí ngộ độc

Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân ngộ độc, cần thông báo cho cơ quan y tế, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và chữa các triệu chứng là chủ yếu.

3.2. Dự phòng ngộ độc mã tiền

Đối với các trường hợp nhầm lẫn hoặc vô ý: dán nhãn phân biệt rượu ngâm thuốc và để rượu ngâm Mã tiền (dùng xoa bóp) ở vị trí cao, ngoài tầm với trẻ em, không để chung với các loại rượu uống được.

Không tự điều trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Khuyến cáo người dân cảnh giác cao, không nên tự ý hái hoặc lấy các loại quả, hạt mà không rõ các loại độc tính để sử dụng.

4. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc mã tiền

Trong những năm vừa qua, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến mã tiền. Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc thực phẩm do mã tiền nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc mã tiền sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc trong tương lai.

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất, trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm trọng tài trong cả nước về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước theo đúng chức năng và nhiệm vụ, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm cho khách hàng có nhu cầu. Với năng lực kiểm nghiệm thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam, phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm tốt nhất với các phương châm: Trung thực, tận tâm, chính xác, hiệu quả, uy tín.

Tác giả: Kiều Vân Anh

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.

2. Đỗ Huy Bích (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

3. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc.

4. Trần Công Khánh (2004), Cây độc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.

 

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4919171
  • Hàng tháng188
  • Hôm nay66
  • Đang Online1