Ngộ độc hóa chất diệt chuột nhóm phosphide

Chuột gây hại nghiêm trọng trong sản xuất và đời sống tại Việt Nam, nên nhiều loại thuốc diệt chuột, trong đó có phosphide kim loại, được dùng phổ biến. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách hoặc bất cẩn hợp chất này dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Thuốc diệt chuột nhóm phosphide là gì

Thuốc diệt chuột nhóm phosphide có bản chất là các phosphide kim loại (nhiều tài liệu gọi là phosphua kim loại, là phosphide), là hợp chất giữa kim loại với phosphor tạo thành muối. Các muối này có đặc điểm chung là có thể phản ứng với nước hoặc acid tạo ra hợp chất khí hydrogen phosphide hay phosphine có công thức là PH3. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc phosphide. Có nhiều dạng phosphide kim loại dùng để diệt chuột, trong đó 2 dạng phổ biến nhất là nhôm phosphide và kẽm phosphide. Kẽm phosphide là chất rắn màu xám, có mùi tỏi hoặc mùi hăng. Nhôm phosphide là chất rắn trắng, tuy nhiên do thường lẫn tạp khi sản xuất, nhôm phosphide thành phẩm có màu như xám, ngà vàng. Hình ảnh của chế phẩm nhôm phosphide và bột kẽm phosphide được thể hiện trong hình 1.

che-pham-nhom-phosphide-va-bot-kem-phosphide

Hình 1. Chế phẩm nhôm phosphide (a) và bột kẽm phosphide (b)
Cơ chế gây ngộ độc của các phosphide

Cơ chế gây ngộ độc của các phosphide

Các phosphide phản ứng với acid chlorhydric và nước để giải phóng khí phosphine. Phản ứng của phosphide với acid mạnh hơn nhiều so với nước. Sau khi phosphine được giải phóng trong dạ dày là môi trường chứa acid mạnh, nó được hấp thụ nhanh chóng từ đường tiêu hóa, đi vào máu và đến gan, thận và não. Theo “Hướng chẩn đoán và xử trí ngộ độc” của Bộ Y tế: “Khí phosphine là chất khử mạnh, gây stress oxy hóa mạnh dẫn đến độc tế bào không đặc hiệu, gắn và ức chế enzym của chuỗi hô hấp tế bào, ức chế quá trình phosphoryl hóa, oxy hóa, cytochrome oxidase. Phosphine cũng ức chế catalase, gây tăng superocide dismutase tạo ra nhiều gốc tự do, peroxide hóa lipid, gây biến tính protein của màng tế bào.”
Triệu chứng ngộ độc phosphide
Các triệu chứng ngộ độc phosphide xuất hiện nhanh, thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi nuốt. Các triệu chứng ban đầu bao gồm buồn nôn, nôn mửa và đau vùng thượng vị do bản chất ăn mòn của phosphide. Có thể có mùi cá thối trong hơi thở và phân của những bệnh nhân này. Bệnh nhân khát nước và có triệu chứng mất nước và điện giải. Bệnh nhân cũng thường có những triệu chứng về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, có thể bị kích thích thần kinh gây co giật, giãy dụa. Những triệu chứng này có thể nhanh chóng dẫn đến suy tuần hoàn, hạ huyết áp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phù phổi cấp và suy tim sung huyết. 
Khí phosphine phát ra từ chất nôn và phân của những bệnh nhân ngộ độc có thể gây ngộ độc cho người khác, vậy nên cần được xử lý phù hợp. Những bệnh nhân ngộ độc qua đường hô hấp cũng có các triệu chứng về hô hấp và thần kinh tương tự như trên, nhưng thường nhẹ hơn.
Xử trí với ngộ độc phosphide
Ngộ độc phosphide không có thuốc điều trị đặc hiệu, cùng với việc các triệu chứng diễn biến nhanh, gây hậu quả nặng nề, vì vậy việc xử trí đúng cách là rất quan trọng. Việc đầu tiên cần làm là xác định đúng nguyên nhân gây ngộ độc là do phosphide kim loại. Điều này đặc biệt quan trọng vì ngộ độc phosphide có cách xử trí khác với đa phần các loại ngộ độc khác, nếu xử trí không đúng sẽ làm tình trạng diễn biến xấu. Có thể hỏi người nhà bệnh nhân hoặc trực tiếp bệnh nhân nếu bệnh nhân còn có khả năng trả lời. Xác định dựa vào vỏ đựng hóa chất bệnh nhân đã sử dụng cũng giúp nhanh chóng. Hơi thở của bệnh nhân có mùi tỏi hay mùi cá chết là một đặc điểm giúp dễ dàng xác định nguyên nhân ngộ độc.
Khác với đa phần các nguyên nhân ngộ độc, ngộ độc phosphide cần hạn chế gây nôn, do gây nôn có thể làm các phosphide phản ứng nhanh hơn với acid dạ dày cũng như khí phosphine có thể làm tổn thương đường tiêu hóa khi đi từ dạ dày ra miệng. Bệnh nhân có tình trạng khát nước, mất điện giải nhưng không được cho uống nước vì lý do tương tự. Nếu cần đảm bảo đủ nước và duy trì tuần hoàn cho bệnh nhân, nên truyền dịch để điều trị. Có thể cho bệnh nhân uống than hoạt tính nếu bệnh nhân còn tỉnh.
Nếu bệnh nhân ngộ độc do khí phosphine, cần đưa người bệnh ra nơi thoáng khí, người sơ cứu cho nạn nhân cũng cần cẩn thận tránh cùng ngộ độc khí phosphine với nạn nhân. 
Sau các bước sơ cứu, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị triệu chứng và hồi phục tổn thương.
Một số trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột
Chưa có nhiều hông tin cụ thể về các trường hợp ngộ độc phosphide tại Việt Nam, tuy nhiên các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột nói chung đã xảy ra nhiều lần, đều với nguyên nhân nhầm lẫn thuốc, mồi tẩm thuốc diệt chuột với các loại thực phẩm. Một số trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã xảy ra được liệt kê dưới đây.
Tháng 2/2024, 2 bệnh nhi đã được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ do ngộ độc thuốc diệt chuột. Trước đó, 2 cháu đã uống ống thuốc diệt chuột do tưởng nhầm là ống calci mẹ các cháu thường cho uống.
Tháng 3/2024, một bệnh nhân 13 tuổi đã được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương do cố ý uống 2 tuýp thuốc diệt chuột.
Tháng 7/2024, 1 nam thanh niên trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã phải nhập viện sau khi uống hơn 200 mL thuốc diệt chuột có thành phần Bromadiolone.
Tháng 11/2024, 20 trẻ tại Trường Mầm non xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị ngộ độc thuốc diệt chuột do các cháu nhầm lẫn thuốc diệt chuột và ăn như kẹo. Hình 2 là loại chế phẩm diệt chuột các cháu đã ăn nhầm, có bao bì, hình dạng cũng như màu sắc bắt mắt, rất dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trong vụ việc này, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tham gia xác định hàm lượng warfarin nghi ngờ có trong chế phẩm trên.

che-pham-thuoc-diet-chuot

Hình 2. Chế phẩm thuốc diệt chuột gây ra vụ ngộ độc tại Lai Châu

Phòng chống ngộ độc phosphide

Có thể thấy, các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột nói chung, cũng như ngộ độc phosphide nói riêng một phần do tự tử, một phần do ăn uống nhầm thuốc diệt chuột. Đối với ngộ độc phosphide, tai nạn lao động cũng có thể là một nguyên nhân gây ngộ độc. Cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp với mỗi nguyên nhân để hạn chế việc ngộ độc này.

Quản lý tốt các loại thuốc diệt chuột: không nên mua quá nhiều thuốc diệt chuột để tích trữ, chỉ nên mua vừa đủ, mỗi lần sử dụng mở một bao gói nhỏ và nên dùng hết ngay. Người dân nếu có lưu trữ thuốc diệt chuột thì nên để nơi xa tầm với của trẻ em. Không nên bảo quản thuốc diệt chuột trong các chai, gói đã từng đựng thực phẩm vì có thể gây nhầm lẫn với thực phẩm. Khi đặt bả chuột cũng nên đặt tại những nơi trẻ ít tới để tránh việc trẻ tò mò ăn nhầm bả chuột.

Đối với ngộ độc do hít phải khí phosphine khi đang sử dụng phosphide: cần đảm bảo sử dụng đồ bảo hộ đúng cách khi làm việc. Đảm bảo nơi làm việc đủ thoáng khí, cũng như không làm việc quá lâu trong môi trường có khí phosphine.

Kiểm nghiệm phosphide tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

   Việc sử dụng các phosphide làm thuốc diệt chuột trong nông nghiệp có thể để lại tồn dư trong nông sản và các loại thực phẩm. Thông tư 50/2016/TT-BYT đã quy định mức tồn dư tối đa của các phosphide trong một số loại thực phẩm, với mức giới hạn thấp nhất chỉ 0,01 mg/kg.

Hiện nay, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã và đang triển khai xác định hàm lượng tổng các phosphide kim loại bằng hệ thống sắc ký khí khối phổ hiện đại, độ chính xác cao, nhưng vẫn có thời gian phân tích nhanh nhờ quy trình xử lý mẫu đơn giản. Với mức giới hạn định lượng 0,01 mg/kg, kết quả trả ra đáp ứng được yêu cầu theo thông tư 50/2016/TT-BYT.   

Tác giả. Nguyễn Song Toàn

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. D'Silva C, Krishna B. Rodenticide Poisoning. Indian J Crit Care Med 2019;23(Suppl 4):S272–S277.
[2]. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc.

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4919373
  • Hàng tháng74
  • Hôm nay7
  • Đang Online0