Sorbitol và những điều cần biết

Sorbitol là một polyol tự nhiên, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên việc sử dụng các sản phẩm có chứa sorbitol cần tuân thủ theo đúng các quy định.

1. Sorbitol là gì?

Sorbitol là một loại polyol (chất tạo ngọt tự nhiên thuộc nhóm sugar alcohols), có công thức hóa học C₆H₁₄O₆. Nó có mặt tự nhiên trong nhiều loại trái cây như táo, lê, đào, mận và cũng được tổng hợp công nghiệp từ glucose thông qua quá trình hydro hóa.

cong-thuc-cau-tao-sorbitol

Hình 1. Công thức cấu tạo của Sorbitol

Về cảm quan, sorbitol là một chất rắn kết tinh không màu hoặc dạng siro trong suốt, không mùi và có vị ngọt dịu, mát. Độ ngọt của sorbitol chỉ bằng khoảng 50-60% so với đường sucrose (đường kính trắng), nhưng không gây sâu răng và có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người cần kiểm soát lượng đường trong khẩu phần ăn.

2. Công dụng của Sorbitol

Trong ngành công nghiệp thực phẩm, sorbitol thường được sử dụng như một chất tạo ngọt thay thế đường, đặc biệt trong sản xuất bánh kẹo để giảm lượng calo và hạn chế nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, sorbitol còn có khả năng giữ ẩm và tạo độ bóng cho sản phẩm, giúp duy trì độ tươi mới và cải thiện kết cấu thực phẩm.

Trong lĩnh vực y học và dược phẩm, sorbitol được sử dụng như một chất nhuận tràng thẩm thấu để điều trị táo bón, giúp tăng áp suất thẩm thấu trong ruột và thúc đẩy quá trình hydrat hóa, từ đó hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả. Ngoài ra, sorbitol còn được dùng làm tá dược trong sản xuất thuốc chứa vitamin C cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân (như kem đánh răng), nhờ khả năng giữ ẩm và ổn định cấu trúc.

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng

Sorbitol có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, đặc biệt là trên hệ tiêu hóa và chuyển hóa. Về nội tiết và chuyển hóa, sorbitol có thể dẫn đến rối loạn cân bằng nước và điện giải, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic. Trên hệ tiêu hóa, tác dụng phụ thường gặp bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn, đặc biệt ở những người có hội chứng ruột kích thích hoặc bị chướng bụng. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng sorbitol ở những đối tượng nhạy cảm để tránh các tác dụng không mong muốn này.

4. Những quy định hiện hành

Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), mức tiêu thụ sorbitol không nên vượt quá 20 g/ngày đối với trẻ em và 50 g/ngày đối với người lớn để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Để đảm bảo người tiêu dùng nhận đầy đủ thông tin, nhãn mác thực phẩm chứa hơn 10% polyol (được phép bổ sung theo Phụ lục II, Quy định (EC) Số 1333/2008) phải có cảnh báo bắt buộc: "tiêu thụ quá mức có thể gây tác dụng nhuận tràng", theo quy định tại Phụ lục III của Quy định (EU) Số 1169/2011 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu

Tại Việt Nam, sorbitol là phụ gia thực phẩm phổ biến và được phép sử dụng trong một số sản phẩm thực phẩm theo QCVN 4-8:2010/BYT thì sorbitol có mức ADI “không giới hạn” (ADI: Acceptable daily intake- Mức độ tiêu thụ hằng ngày chấp nhận được)

5. Khuyến cáo sử dụng

Đối với người tiêu dùng: Nên đọc kỹ nhãn mác sản phẩm để biết hàm lượng sorbitol có trong thực phẩm và tuân thủ hướng dẫn sử dụng. Không nên sử dụng lâu dài sorbitol để nhuận tràng, chỉ sử dụng như sản phẩm hỗ trợ cho cách điều trị bằng ăn uống. Trường hợp sorbitol dùng kết hợp với than hoạt có thể làm tăng nồng độ natri huyết ở cả người lớn và trẻ em, nên theo dõi cân bằng nước, điện giải và sử dụng liều sorbitol thấp nhất có thể.

Thận trọng khi sử dụng cho người bị phình đại tràng, người bệnh “đại tràng kích thích”.

Đối với nhà sản xuất: Cần tuân thủ các quy định về ghi nhãn phụ gia thực phẩm, đảm bảo thông tin rõ ràng về hàm lượng sorbitol trong sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn và sử dụng an toàn.

 

Vũ Thị Nhật Lệ - Khoa Dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

 

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam, 2022, Sorbitol
  2. Panoff, L. (2020) What is Sorbitol? benefits, uses, side effects, and more, Healthline. Available at: https://www.healthline.com/nutrition/what-is-sorbitol#storage-handling (Accessed: 22 March 2025).
  3. Regulation - 1333/2008 - en - additives - EUR-lex (no date) EUR. Available at: https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2008/1333/oj (Accessed: 22 March 2025).
  4. Scientific opinion on the substantiation of health claims related to the sugar replacers xylitol, sorbitol, mannitol, Maltitol, lactitol, Isomalt, erythritol, d‐tagatose, isomaltulose, sucralose and polydextrose and maintenance of tooth mineralisation by decreasing tooth demineralisation (ID 463, 464, 563, 618, 647, 1182, 1591, 2907, 2921, 4300), and reduction of post‐prandial glycaemic responses (ID 617, 619, 669, 1590, 1762, 2903, 2908, 2920) pursuant to Article 13(1) of regulation (EC) no 1924/2006 -. Available at: https://efsa.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.2903/j.efsa.2011.2076 (Accessed: 22 March 2025). 

5.    Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm
6.    QCVN 4-8:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất ngọt tổng hợp
 

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4935043
  • Hàng tháng128
  • Hôm nay33
  • Đang Online0