Phòng ngừa ngộ độc do độc tố cóc

Ngộ độc do độc tố cóc là một hiện tượng nguy hiểm và thường xuyên xảy ra ở Việt Nam, dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ của việc sử dụng cóc làm thực phẩm. Trong dân gian, thịt cóc được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em nhờ chứa lượng đạm và kẽm cao. Tuy nhiên, một số bộ phận trong cơ thể chúng lại tiềm ẩn độc tố có thể gây chết người.

1. Tình hình ngộ độc thực phẩm liên quan đến cóc tại Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có những báo cáo ngộ độc thực phẩm liên quan đến cóc. Trong giai đoạn 2020-2022, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc thực phẩm liên quan đến cóc như sau:

Tháng 1/2021, tại địa bàn thôn Hòn gầm, xã Ba Cụm huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, đã xảy ra vụ ngộ độc nghi do độc tố tự nhiên từ cóc làm 01 người tử vong. Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy cả 02

mẫu (mẫu thịt cóc kho và mẫu bệnh phẩm) dương tính với độc tố cóc: Bufalin, Cinobufalin, Resibufogenin.

Tháng 6/2022, tại thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã xảy ra vụ ngộ độc cóc làm 02 người tử vong (01 bé 8 tuổi, 01 bé 22 tháng tuổi). Nguyên nhân được xác định do ăn da, phủ tạng và trứng cóc nấu chín. Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện Bufalin, Cinobufagin trong mẫu thức ăn, phát hiện Bufalin trong mẫu chất nôn.

Ngoài ra, nước ta cũng tiếp nhận nhiều vụ ngộ độc do độc tố cóc, trung bình từ 2 đến 4 vụ một tháng trên địa bàn cả nước. Đa số các vụ ngộ độc xảy ra tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, một số tỉnh thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc cóc như Điện Biên, Gia Lai, Hoà Bình, Phú Thọ. Tuy được cảnh báo rất nhiều về các vụ ngộ độc do ăn thịt, nội tạng, trứng cóc nhưng nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, chế biến không đúng cách gây ngộ độc, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Độc tố và triệu chứng ngộ độc

2.1. Phân biệt cóc và ếch

Cóc và ếch trông có vẻ giống nhau, nhưng chúng lại khá là khác biệt. Chúng có những điểm khác nhau về ngoại hình, như da, màu sắc và hình dạng. Hành vi của chúng cũng khác nhau.

Bảng 1. Các đặc điểm phân biệt cóc và ếch

Điểm khác nhau

Ếch

Cóc

Da

Trơn, nhẵn, ẩm ướt

Sần sùi, khô

Màu sắc

Màu xanh ngả vàng

Màu xanh đậm đến xanh ô liu

Hình dáng

Thanh mảnh

Mập và ngắn

Độ dài chân sau

Dài, to hơn đầu và thân

Ngắn hơn đầu và thân

Bàn chân

Có màng

Không có màng

Hành vi

Nhảy dài và cao

Nhảy ngắn và thường bò

 

phan-biet-giua-ech-va-coc

Hình 1. Phân biệt ếch và cóc

2.2. Độc tố của cóc

Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của nó, từ trứng, nòng nọc, cóc nhỏ, cóc trưởng thành. Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ ở da, ở tuyến mang tai. Khi bị đe dọa cóc có thể tăng áp lực trong tuyến và phun nọc thành tia cách xa vài mét.

mot-so-co-quan-gay-doc-cua-coc

Hình 2. Một số cơ quan gây độc của cóc

Độc tố của cóc là một phức hợp, thay đổi theo loài nhưng chủ yếu được chia thành hai nhóm: các amin (adrenaline, noradrenaline, bufotenin, dihidrobufotenin, bufotionin) và các dẫn suất của steroid (cholesterol, ergosterol, g-sistosterol, bufotoxin, bufadienolid, argentinogenin, bufalin, bafarenogin, bufotalin, bufotalinin…). Trong đó chất bufodienolid và bufotoxin có cơ chế tác dụng giống như digitalis. Tăng kali máu là dấu hiệu nặng và là yếu tố tiên lượng tử vong. Bufotenin, dihidrobufotenin, bufotionin gây ảo giác. Indolealkylamin có tác dụng gây ảo giác, co cơ tử cung và co thắt ruột.

mot-so-amin-va-dan-xuat-cua-steroid-gay-doc-dien-hinh-cua-coc

Hình 3. Một số amin và dẫn xuất của steroid gây độc điển hình của cóc

2.3. Triệu chứng ngộ độc

Các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn khoảng 1-2 giờ. Đầu tiên là triệu chứng về tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, bụng chướng, chán ăn, táo bón. Sau đó là các triệu chứng về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, kích thích, ngất, run, sảng, ảo giác, co giật, hôn mê và các triệu chứng khác. Triệu chứng tim mạch như thở nhanh, thiếu oxy xuất hiện sau 6 giờ và tăng kali máu xuất hiện sau 12 giờ. Các loạn nhịp nặng đe dọa tử vong thường xuất hiện trong vòng 24 giờ sau ăn.

Nếu được điều trị các triệu chứng được cải thiện trong vòng 1-4 giờ nhưng phải sau 13 giờ mới ổn định vì nọc cóc có chu kỳ gan ruột, triệu chứng có thể tái phát sau 3-24 giờ sau điều trị, có thể kéo dài 8 ngày khi bệnh nhân bị suy thận.

2.4. Các mức độ của ngộ độc cóc

- Ngộ độc nhẹ: Đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn.

- Ngộ độc trung bình: Rối loạn thị lực, chóng mặt, mệt mỏi, lẫn lộn.

- Ngộ độc nặng: Loạn nhịp tim, tăng kali, ngất, hôn mê, tử vong.

3. Phòng chống và xử lý ngộ độc do độc tố cóc

3.1. Phòng chống ngộ độc do độc tố cóc

Ngộ độc do độc tố cóc thường do ăn thịt cóc, gan, trứng cóc hoặc các sản phẩm từ cóc. Do đó, để phòng chống ngộ độc cóc cần thực hiện tốt các công việc sau:

- Không ăn thịt cóc, nếu cần sử dụng chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm (bỏ hết da, nội tạng và trứng), thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

- Tuyên truyền kiến thức đến tất cả mọi người, tránh tất cả các trường hợp ngộ độc

Lưu ý: độc tố trong cóc không bị nhiệt phân huỷ nên những quan niệm nấu chín thịt cóc sẽ làm mất độc tố là hoàn toàn sai lầm.

3.2. Xử lý ngộ độc do độc tố cóc

Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân ngộ độc, cần thông báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và chữa các triệu chứng là chủ yếu. Các biện pháp cụ thể xử lý ngộ độc như sau:

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ôxy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

-  Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Để điều trị đặc hiệu ngộ độc cóc, sử dụng kháng thể kháng digoxin (Digoxin Fab), chỉ định trong trường hợp:

+ Huyết động không ổn định

+ Loạn nhịp đe dọa tính mạng

+ Kali máu > 5 mEq/l

+ Có bằng chứng của thiếu máu tạng (suy thận, rối loạn ý thức)

+ Nồng độ digoxin máu sau uống 6 giờ > 20 nmol/l (15,6ng/ml)

Tuyệt đối không dùng canxi để điều trị tăng kali máu vì digoxin đã làm tăng canxi trong tế bào cơ tim.

4. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc cóc

Trong những năm vừa qua, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cóc và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc cóc. Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc thực phẩm do cóc nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc cóc sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc trong tương lai. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất, trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm trọng tài trong cả nước về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước theo đúng chức năng và nhiệm vụ, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm cho khách hàng có nhu cầu. Với năng lực kiểm nghiệm thực phẩm đứng đầu tại Việt Nam, phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm tốt nhất với các phương châm: Trung thực, tận tâm, chính xác, hiệu quả, uy tín.

Tài liệu tham khảo

1. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc (2015), quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015.

2. R. M. Gowda, R. A. Cohen, and I. A. Khan (2003), "Toad venom poisoning: resemblance to digoxin toxicity and therapeutic implications", Heart, vol. 89, no. 4, p. e14.

3. Sakate M, Lucas De Oliveira PC (2000), “Toad envenoming in dogs: effects and treatment”, J Venom.Anim. Toxins vol 6 n.1, Botucatu.

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4694832
  • Hàng tháng3066
  • Hôm nay1211
  • Đang Online15