Sàng lọc hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm

Hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) đóng một vai trò quan trọng đối với nông nghiệp của mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng HCBVTV, sử dụng không đúng phương pháp, không đủ thời gian cách ly, không đúng liều lượng dẫn tới tồn dư các HCBVTV trong thực phẩm. Dư lượng HCBVTV không chỉ ảnh hưởng ngay tới sức khỏe con người mà còn tích lũy trong cơ thể, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm. Do đó, việc sàng lọc, phát hiện HCBVTV trong thực phẩm là điều rất cần thiết trong thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường, sinh thái và đáp ứng yêu cầu của việc xuất khẩu, giao thương  thực phẩm.

1. Thế nào là hoá chất bảo vệ thực vật ?

HCBVTV là những hợp chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp bằng con đường hóa học dùng để phòng, trừ các sinh vật gây hại cây trồng và nông sản, điều hòa sinh trưởng thực vật. Ngoài ra, HCBVTV còn có tác dụng xua đuổi hoặc thu hút các sinh vật gây hại đến để diệt trừ chúng và còn được sử dụng trong việc bảo quản, lưu trữ và vận chuyển nông sản sau khi thu hoạch.

nong-dan-su-dung-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat-tren-cay-trong

Hình 1: Nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên cây trồng

Có nhiều nhóm HCBVTV. Theo thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT, HCBVTV thường được sử dụng hiện nay được phân loại theo các nhóm như sau:
•    Nhóm thuốc trừ sâu (acetamiprid, carbofuran, indoxacarb,...)
•    Nhóm thuốc trừ bệnh (azoxystrobin, propiconazole, tebuconazole,...)
•    Nhóm thuốc trừ cỏ (2,4-D, atrazin, buturon, butachlor,...)
•    Nhóm thuốc trừ chuột (Brodifacoum, Diphacinone,...)
•    Nhóm điều hòa sinh trưởng (Gibberellin, Cytokinin,... )
•    Nhóm chất dẫn dụ côn trùng (Methyl eugenol, Pheromon,... )
•    Nhóm thuốc trừ ốc (Niclosamide, Clonitralide,... ) 

Hình 2. Công thức cấu tạo của một số hợp chất trong nhóm hóa chất bảo vệ thực vật

cong-thuc-cau-tao-cua-mot-so-hop-chat-trong-nhom-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat

 

2. Tác hại khi sử dụng thực phẩm có dư lượng HCBVTV vượt mức dư lượng tối đa cho phép

Mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của HCBVTV là lượng hợp chất độc cao nhất được phép tồn lưu trong thực phẩm mà không gây ảnh hưởng đến cơ thể người và vật nuôi khi sử dụng thực phẩm đó làm thức ăn.

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm HCBVTV được sản xuất từ các hoạt chất hóa học, sinh học, thảo mộc… Mỗi loại HCBVTV đều có mức giới hạn tối đa dư lượng (MRL) được qui định cụ thể cho từng loại thực phẩm. Khi HCBVTV vượt ngưỡng MRL trong thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Hầu hết HCBVTV đều độc với con người và động vật máu nóng ở các mức độ khác nhau. Theo đặc tính HCBVTV được chia làm hai loại: độc cấp tính và độc mãn tính [1].

- Độc cấp tính: Mức độ gây độc phụ thuộc vào lượng HCBVTV xâm nhập vào cơ thể. Ở dưới liều gây tử vong, các chất bảo vệ thực vật dần bị phân giải và bài tiết ra ngoài. Loại này bao gồm các hợp chất pyrethroid, những hợp chất lân hữu cơ, carbamate. Khi ngộ độc HCBVTV ở dạng cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi…. Chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ mang thai dễ gây sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ,...

- Độc mãn tính: Có khả năng tích luỹ lâu dài trong cơ thể vì chúng rất bền, khó bị phân giải và bài tiết ra ngoài. HCBVTV loại này gồm nhiều hợp chất chứa clo hữu cơ, chứa Thạch tín (Asen), Chì, Thuỷ ngân - đây là những hợp chất rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nguyên nhân gây các bệnh ung thư gan, dạ dạy, thực quản….  

Con đường thâm nhập: HCBVTV có thể thâm nhập vào cơ thể con người và động vật qua nhiều con đường khác nhau; thông thường qua ba đường chính: hô hấp, tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp. Khi tiếp xúc với HCBVTV, con người có thể bị nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính, tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng của thuốc.

Do đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam được ban hành trong thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT [2] và quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm đã được ban hành trong thông tư 50/2016/TT-BYT [3]. Một số thuốc HCBVTV cấm sử dụng tại Việt Nam trong thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT được thể hiện trong bảng 1.

Bảng 1: Danh mục thuốc HCBVTV cấm sử dụng tại Việt Nam

STT

Tên chất

STT

Tên chất

STT

Tên chất

1

Aldrin

10

Endosulfan

18

Monocrotophos

2

BHC, Lindane

11

Endrin

19

Parathion Ethyl

3

Carbofuran

12

Heptachlor

20

Sodium Pentachlorophenate monohydrate

4

Chlordane

13

Isobenzen

21

Pentachlorophenol

5

Chlordimeform

14

Isodrin

22

Phosphamidon

6

DDT

15

Methamidophos

23

Polychlorocamphene

7

Dieldrin

16

Methyl Parathion

24

Trichlorfon (Chlorophos)

8

Captan

17

Captafol

25

Hexachlorobenzene

9

2,4,5-T

 

 

 

 

 

3. Kiểm nghiệm dư lượng HCBVTV trong thực phẩm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Hiện nay, với các trang thiết bị hiện đại nhất cùng đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát triển phương pháp sàng lọc đồng thời nhiều HCBVTV trên thiết bị sắc kí lỏng khối phổ phân giải cao LC-HR/MS Dionex Ultimate UHPLC + Q- Exactive Orbitrap MS của hãng Thermo Scientific (hình 3). Đây là một trong những thiết bị phân tích sắc ký hiện đại bậc nhất hiện nay. Kết hợp với nguồn thư viện chất từ mzCloud, Chemspider, Masslist, … hoàn toàn có thể cho phép sàng lọc và xác định các hợp chất chưa biết với độ chính xác khối nhỏ hơn 5ppm. Phương pháp này có thể áp dụng để sàng lọc và định lượng các HCBVTV trong các mẫu thực phẩm. Quy trình phân tích mẫu sàng lọc được thiết kế gồm phân tích mẫu trắng, mẫu thử và mẫu kiểm soát dương. Số liệu được phân tích bằng phần mềm Compound discoverer 3.1 với các bước đánh giá tìm các nhóm chất như ở hình 4.

he-thong-sac-ky-long-khoi-pho-phan-giai-cao-tai-vien-kiem-nghiem

Hình 3. Hệ thống sắc ký lỏng khối phổ phân giải cao tại Viện KNATVSTPQG

quy-trinh-sang-loc-nhom-HCBVTV-bang-phan-mem-compound-discoverer

Hình 4. Quy trình sàng lọc nhóm HCBVTV bằng phần mềm Compound Discoverer

Theo nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia về tồn dư HCBVTV trong thực phẩm, phân tích trên 100 mẫu thực phẩm các loại như rau quả, gạo, ngũ cốc, thịt…. Kết quả phát hiện một số loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm như acetamiprid, azoxystrobin, difenoconazole, tebuconazole, propiconazole, tricyclazole và isoprothiolane. Đa số các HCBVTV phát hiện  được thuộc nhóm thuốc trừ sâu và nhóm thuốc trừ bệnh trên nền rau quả. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đến cơ quan chức năng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng HCBVTV có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thực phẩm Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. 
Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần thiết. Do đó, hoạt động thử nghiệm có vai trò rất quan trọng nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, đánh giá dư lượng HCBVTV trong thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận thức, thái độ về các nguy cơ tiềm ẩn nhiễm HCBVTV trong thực phẩm tiêu dùng, từ đó có trách nhiệm trong việc sử dụng, kiểm soát, và đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung cũng như giảm nguy cơ phơi nhiễm với HCBVTV tồn dư trong thực phẩm nói riêng. Điều đó, đóng góp rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và sức khỏe cộng đồng.

Tác giả: Lưu Thị Huyền Trang
Khoa Tồn dư và ô nhiễm hóa chất
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Tài liệu tham khảo

[1]. Trần Quang Hùng (1999), “Thuốc bảo vệ thực vật”, Nhà xuất bản nông nghiệp.

[2]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), “Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam ”.

[3]. Bộ Y Tế (2016), “Thông tư 50/2016/TT-BYT Quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm”.

 

Liên hệ tư vấn và gửi mẫu kiểm nghiệm

  • Trụ sở chính: Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Địa chỉ: 65 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline: 085 929 9595

Email: baogia@nifc.gov.vnnhanmau@nifc.gov.vn

  • Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Cảng Tân Cảng - Cát Lái, Phòng A102, Cổng B Cảng Cát Lái, Số 1295B đường Nguyễn Thị Định, P. Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.37.400.888/ Hotline: 0918.959.678 (Mr. Nghị)

Email: baogia@nifc.gov.vnvpsg.nifc@gmail.com

  • Văn phòng đại diện tại Hải Phòng

Địa chỉ: Số 1 Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Điện thoại: 0225.8830316/ Hotline: 0983.300.226 (Ms. Thương)

Email: vphp@nifc.gov.vn

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập5356610
  • Hàng tháng3590
  • Hôm nay28
  • Đang Online13