- Folder Tin hoạt động
- Views 5748
- Last Updated 08/04/2023
Ngày 07/04/2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tổ chức thành công Hội thảo “Tổng kết chương trình thử nghiệm thành thạo năm 2022” với sự tham gia của đông đảo các phòng thử nghiệm trong cả nước.
Thử nghiệm thành thạo (TNTT) là một trong những công cụ quan trọng của các tổ chức công nhận, các cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng để đánh giá năng lực kỹ thuật của các phòng thử nghiệm (PTN), đồng thời cũng giúp các PTN trong hoạt động kiểm soát chất lượng cũng như chứng minh năng lực kỹ thuật đối với các bên quan tâm. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị cung cấp các chương trình thử nghiệm thành thạo phù hợp theo yêu cầu của ISO/IEC 17043:2010 và được Hiệp hội công nhận phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (A2LA) công nhận với mã số công nhận 4254.01.
Ngày 07/4/2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tổ chức Hội thảo “Tổng kết chương trình thử nghiệm thành thạo năm 2022" nhằm tổng kết các chương trình thử nghiệm thành thạo năm 2022, trao đổi thảo luận các vấn đề tồn tại, phân tích nguyên nhân và giải pháp đối với các chỉ tiêu không đạt và kế hoạch tổ chức các chương trình thử nghiệm thành thạo năm 2023.
Tham dự Hội thảo về phía Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia có PGS. TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng; TS. Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng; ThS. Đặng Tuấn Anh, Chuyên gia kỹ thuật thiết bị của Viện và các báo cáo viên là trưởng các Khoa chuyên môn của Viện. Về phía đại biểu có các đại diện đến từ các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh/thành phố, các Trường đại học, Viện nghiên cứu, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và các đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Lê Thị Hồng Hảo nhiệt liệt chào mừng 150 các đại biểu đến dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến thông qua các điểm cầu trong cả nước, qua đây đồng chí cũng nhấn mạnh: “TNTT là một trong các phương thức nhằm đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm. Tham gia TNTT sẽ đánh giá và giám sát việc thực hiện phép thử hoặc phép đo cụ thể của PTN. Việc phân tích kết quả TNTT góp phần xác định những yêu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến chất lượng thử nghiệm, từ đó PTN đề ra những phương án khắc phục hoặc cải tiến phù hợp. Đạt kết quả tốt khi tham gia các chương trình TNTT sẽ cung cấp bằng chứng độc lập, khách quan chứng minh độ chính xác trong các kết quả thử nghiệm đối với các bên quan tâm.” Hiện nay, yêu cầu về việc tham gia TNTT được các cơ quan công nhận ISO/IEC 17025:2017 và các cơ quan chỉ định (cơ quan thẩm quyền tại Việt Nam) đặc biệt chú trọng. Nhiều tổ chức công nhận và tất cả các cơ quan chỉ định yêu cầu PTN phải tham gia TNTT và có kết quả đạt trước khi đăng ký xin công nhận. Đồng chí cũng nhấn mạnh thêm “Viện rất mong muốn được đồng hành cùng quý PTN không chỉ cung cấp các chương trình TNTT đạt yêu cầu theo ISO/IEC 17043:2010, mà còn cung cấp mẫu chuẩn, chất chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17034, hiệu chuẩn thiết bị PTN, đào tạo chuyển giao công nghệ... nhằm hướng tới giúp các PTN đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm.”
PGS. TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát biểu khai mạc
Hội thảo có 6 bài báo cáo bao gồm các nội dung chính: Tổng kết chung về các chương trình TNTT năm 2022 do TS. Lê Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Đảm bảo chất lượng trình bày; Nâng cao chất lượng kết quả kiểm nghiệm mẫu TNTT vi sinh do ThS. Nguyễn Thành Trung – Trưởng khoa Vi sinh và biến đổi gen trình bày; Nâng cao chất lượng kết quả kiểm nghiệm mẫu TNTT thành phần đa lượng trong thực phẩm, TPBVSK do TS. Vũ Thị Trang – Trưởng khoa Dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm trình bày; Nâng cao chất lượng kết quả kiểm nghiệm mẫu TNTT các chất ô nhiễm trong thực phẩm do ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phụ trách khoa Độc học dị nguyên trình bày; Nguyên nhân và giải pháp khắc phục các chương trình TNTT kim loại, anion trong nước và thực phẩm do ThS. Đinh Viết Chiến – Phó trưởng khoa, phụ trách khoa Kim loại và vi khoáng trình bày. Tại Hội thảo, các báo cáo viên và đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ về giải pháp phân tích đối với một số chương trình TNTT năm 2023 để đạt được kết quả tốt nhất. Hội thảo đã thảo luận, đưa ra những tồn tại, khó khăn của các chương trình TNTT năm 2022 và những giải pháp mới trong phân tích mẫu TNTT năm 2023. Qua Hội thảo, Viện cũng giới thiệu đến các đại biểu các dịch vụ khác của Viện như: cung cấp mẫu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, đào tạo...
Nội dung các bài báo cáo có thể được truy cập theo đường link sau:
Ghi nhận và tuyên dương các đơn vị đạt kết quả tốt các chương trình TNTT năm 2022 của Viện tổ chức, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã quyết định tặng giấy chứng nhận cho 13 PTN trong đó 9 PTN đạt kết quả tốt chương trình TNTT lĩnh vực Hóa và 4 PTN đạt kết quả tốt chương trình TNTT lĩnh vực Sinh.
PGS. TS. Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng lên trao giấy chứng nhận cho các đơn vị đạt kết quả tốt các chương trình TNTT năm 2022
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Khu trưng bày mẫu chuẩn, chất chuẩn của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cung cấp
Các đại biểu được thăm quan phòng thí nghiệm, phòng tạo mẫu chuẩn và mẫu thử nghiệm thành thạo
Hình ảnh các đại biểu thăm quan khu vực trưng bày sách, mẫu TNTT và mẫu chuẩn của Viện
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Viện và các báo cáo viên.
Qúy PTN có nhu cầu tham gia các chương trình TNTT của Viện vui lòng đăng ký tại địa chỉ: https://nifc.gov.vn/cac-chuong-trinh-thu-nghiem-thanh-thao
Thông tin chi tiết về dịch vụ TNTT và mẫu chuẩn, chất chuẩn vui lòng liên hệ:
Ms Hoàng Thị Thúy (085.929.9595/0983.739.653)
Email: ptp.rm@nifc.gov.vn