Chất cấm trong nuôi trồng thủy sản

Việc lạm dụng các hoá chất, kháng sinh đặc biệt là các chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản tràn lan để điều trị và phòng ngừa bệnh dẫn tới hậu quả tồn dư các hoá chất, kháng sinh này trong các sản phẩm thuỷ sản hiện đang là vấn đề cấp thiết được các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng quan tâm, bởi chúng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và môi trường.

1. Nuôi trồng thủy sản và chất cấm trong nuôi trồng thủy sản là gì?

Ngành nuôi trồng thủy sản ở nước ta trong những năm gần đây đã trở thành một trong những ngành sản xuất lương thực quan trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển đa dạng với các loại hình nuôi trồng khác nhau gồm: nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nuôi trồng thủy sản bằng nguồn giống khai thác tự nhiên, nuôi trồng thủy sản can sản, nuôi trồng trên biển.

Với sự gia tăng nhanh chóng về sản lượng, một trong những vấn đề lớn mà ngành thuỷ sản đối mặt hiện nay đó là việc sử dụng rộng rãi ngày càng tăng các loại thuốc thú y để phòng và kiểm soát dịch bệnh. Một số loại thuốc

thú ý được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để điều trị các bệnh do vi khuẩn, nhiễm trùng, sát trùng kiệt khuẩn, làm sạch nguồn nước ao nuôi gồm: Oxytetracycline, Doxycycline, Florfenicol, Benzalkonium chloride, Sulfadimidine, Trimethoprim,…

 Bên cạnh các loại thuốc thú ý được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, còn có những loại thuốc thú y cấm sử dụng. Các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản là những hoá chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học không được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Theo Thông tư 10/2016/BNNPTNN về Danh mục thuốc thú ý được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam và Thông tư 26/2018/BNNPTNN Quy định về quản lý giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản quy định 30 loại hoá chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản tại bảng 1.

Bảng 1. Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thuỷ sản

STT

Tên hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật

STT

Tên hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật

1

Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng

16

Ipronidazole

2

Chloramphenicol

17

Green Malachite (Xanh Malachite)

3

Chloroform

18

Gentian Violet (Crystal violet)

4

Chlorpromazine

19

Glycopeptides

5

Colchicine

20

Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone)

6

Clenbuterol

21

Nhóm Fluoroquinolones

7

Cypermethrin

22

Metronidazole

8

Ciprofloxacin

23

Trichlorfon (Dipterex)

9

Cysteamine

24

Trifluralin

10

Các Nitroimidazole khác

25

Ronidazole

11

Deltamethrin

26

Vat Yellow 1

12

Diethylstilbestrol (DES)

27

Vat Yellow 2

13

Dapsone

28

Vat Yellow 3

14

Dimetridazole

29

Vat Yellow 4

15

Enrofloxacin

30

Auramine

2. Tác hại sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản?

Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi thủy sản giúp tăng hiệu quả sản xuất, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, giảm bệnh tật khi dùng đúng liều và đúng cách. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc thú y trong nuôi trồng thủy sản có thể dẫn đến tồn dư chúng trong sản phẩm thủy sản và môi trường. Tác hại một số chất cấm trong nuôi trồng thủy sản:

- Đối với các chất cấm là các kháng sinh, việc tồn dư các chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản làm tăng nguy cơ vi khuẩn có hại kháng lại các loại kháng sinh đặc hiệu, là giảm hiệu quả của các loại kháng sinh đó trong điều trị bệnh cho con người. Ngoài ra, các chất này tồn dư trong môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm nguồn hải sản tự nhiên.

- Nhóm hợp chất màu Vat yellow, Gentian violet, Auramine: đây là các hóa chất dùng trong nhuôm vài, giấy. Khi bị nhiễm độc các chất này gây ra các triệu chứng như nôn, tiêu chay, tổn thương gan và thận. Malachite green và chất chuyển hóa của nó là Leucomalachite green gây tổn thương gan, làm thay đổi chức năng tuyến giáp, thiếu máu, có tiềm năng gây ung thư cho con người.

3. Thực trạng phát hiện các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 có ít nhất 29 lô hàng thủy sản nuôi của Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU và Nhật Bản, 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU. Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiquad) – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2020 Nafiquad đã phân tích 1313 mẫu tôm nuôi nhưng không phát hiện mẫu nào tồn dư hoá chất, kháng sinh cấm. Năm 2021, Nafiquad đã thực hiện lấy mẫu 1768 mẫu tôm nuôi thì phát hiện 13 mẫu tôm có tồn dư chất cấm gồm Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrofloxacin, SEM.

Trong năm 2021-2022, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phân tích và phát hiện một số loại thuốc thú y trong thuỷ sản gồm Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Sulfonamides, Malachite green, Leucomalachite green, Nitrofurans… Một số chất cấm Malachite green, Leucomalachite green, Nitrofurans phát hiện tồn dư vượt mức quy định trong cá và cua.

4. Biện pháp kiểm soát sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản

Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiệm các trường hợp vi phạm pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng các chất cấm trong sản xuất và kinh doanh thuỷ sản; tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tiến hành nghiên cứu và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm.

 Các cơ quan chức năng cần tăng cường lấy mẫu kiểm soát các loại thuỷ sản để kiểm tra các nhóm chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt là những khu vực có quy mô nuôi trồng phát triển. Các đơn vị nuôi trồng cần chủ động kiểm soát dư lượng các chất cấm trong các khu vực nuôi trồng, từ nguyên liệu, môi trường cho tới sản phẩm đầu ra.

5. Kiểm soát chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là một trong các phòng thí nghiệm tuyến đầu về kiểm nghiệm các loại thuốc thú y trong thực phẩm nói chung và thuỷ sản nói riêng. Viện đã được Cục Nông lâm thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ định là Phòng thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Các chỉ tiêu được chỉ định gồm các nhóm thuốc thú y: phenicols, tetracyclines, malachite green và leucomalachite green, quinolones, sulfonamides… Các phương pháp kiểm nghiệm được xác định bằng các thiết bị hiện đại, giới hạn phát hiện thấp, đáp ứng các mức dư lượng giới hạn tối đa cho phép của các thuốc thú y trong thủy sản.

Danh mục năng lực kiểm nghiệm thuốc thú y trong nuôi trồng thuỷ sản gồm:

  •   Phenicols: Cloramphenicol, Florphenicol,…
  •   Tetracyclines: Tetracycline, Clotetracycline, Oxytetracycline,…
  •   Nitrofurans và các chất chuyển hóa của chúng : Furazolidone, AOZ, AMOZ, AHD, SEM …
  •   Quinolones và fluoroquinolones: enrofloxacin, ciprofloxacin, danofloxacin, sarafloxacin, difloxacin, norfloxacin, ofloxacin… 
  •   Sulfonamides: Sulfapyridine, Sulfamerazine, Sulfamethoxazole, Sulfameter, Sulfamethoxypyridazine, Sulfadimidine, Sulfisoxazole, Sulfadimethoxine, Sulfachloropyridazine, Sulfamonomethoxine…
  •   Phẩm màu cấm và chất chuyển hoá của nó: Malachite green, Leucomalachite green, Crystal violet và Leuco crystal violet, Vat yellow, Auramin O,…
  •  Macrolides: Azithromycin, Erythromycin, Roxithromyxin, Spiramycin,…
  •  Hormone: Dietylstilbestrol, Progesterol,… 
  •  Beta agonist: Salbutamol, Clenbuterol,…

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã trang bị các thiết bị hiện đại gồm sắc ký lỏng khối phổ (LC-MS/MS) và sắc ký lỏng khối phổ phân giải cao (LC-HR/MS) để định lượng và định tính các thuốc thú y trong nuôi trồng thuỷ sản.

Tài liệu tham khảo

1. Thông tư 10/2016/BNNPTNN,  Danh mục thuốc thú ý được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam

2. Thông tư 26/2018/BNNPTNN, Quy định về quản lý giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4907265
  • Hàng tháng137
  • Hôm nay79
  • Đang Online1