- Folder Kỹ thuật - Chuyên môn
- Views 5933
- Last Updated 06/07/2024
Inositol, được gọi là vitamin B8, nhưng không thực sự là vitamin mà là một loại đường đóng vai trò quan trọng trong cơ thể như một thành phần chính của màng tế bào. Inositol trong sữa có nhiều công dụng khác nhau đối với cơ thể, tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng để tránh các tác dụng không mong muốn.
1. Inositol
Inositol là một hợp chất polyol carbocyclic cần thiết cho sự phát triển và tồn tại của tế bào. Inositol thường được gọi là vitamin B8, tuy nhiên nó không đáp ứng được định nghĩa về vitamin nên nó được gọi là vitamin “giả”.
Inositol được tìm thấy trong nhiều loài thực vật và động vật. Nó cũng được tổng hợp từ glucose trong cơ thể người và có thể tạo ra trong phòng thí nghiệm. Inositol được tìm thấy nhiều nhất trong các loại trái cây tươi, rau quả và trong các loại thực phẩm có chứa hạt (đậu, ngũ cốc và các loại hạt).
Hai dạng phổ biến của inositol là inositol tự do và inositol dạng muối phosphate như inositol hexaphosphat (IP6) – phổ biến trong tự nhiên. Trong dạng tự do tồn tại chín đồng phân lập thể của inositol.
- Cấu trúc
- Công thức cấu tạo chín đồng phân inositol dạng tự do được minh họa ở Hình 1.
Hình 1: Công thức cấu tạo của chín đồng phân của inositol
- Tỷ trọng: 1,752 g/cm3
- Nhiệt độ nóng chảy: 224,5 oC
- Nhiệt độ sôi: 291,33 oC
- Độ hòa tan: 0,17 mg/ml
Inositol hexaphosphat (IP6) là một este dihydrogenphosphat của inositol, còn được gọi là acid phytic. Trong tự nhiên, inositol hexaphosphat (IP6) được tìm thấy trong nhiều thực vật và tế bào động vật có vú, nơi nó thực hiện các vai trò truyền tin quan trọng và ảnh hưởng đến nhiều quá trình tế bào. Công thức cấu tạo được thể hiện trong Hình 2.
Hình 2: Công thức cấu tạo inositol hexaphosphat
2. Công dụng nhóm inositol
Các loại inositol ở Hình 1 đều có chung công dụng của inositol tự do. Dưới đây là một số công dụng của inositol:
- Inositol có thể giúp cân bằng các chất chuyển hóa quan trọng trong não bao gồm cả những chất ảnh hưởng đến tâm trạng như serotonin và dopamin [1].
- Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số người bị trầm cảm, lo âu và rối loạn cưỡng chế có mức inositol trong não thấp hơn người bình thường [2].
- Inositol có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng gây mất cân bằng hormon ở phụ nữ, có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều và vô sinh. Tăng cân, lượng đường trong máu cao và mức cholesterol và chất béo trung tính không mong muốn cũng là những triệu chứng của PCOS. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng liều lượng hàng ngày của inositol và acid folic có thể giúp giảm chất béo trung tính trong máu và có thể cải thiện chức năng tiểu đường và huyết áp ở những người bị PCOS [2]. Trong một nghiên cứu, 4 gam inositol và 400 µg acid folic được uống hàng ngày trong 3 tháng đã gây rụng trứng ở 62% phụ nữ được điều trị.
3. Tác dụng phụ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng inositol có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, như hỗ trợ điều trị rối loạn hoảng sợ, cải thiện các triệu chứng của trầm cảm và lo âu, và thậm chí có thể giúp điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Tuy nhiên, như mọi chất bổ sung khác, inositol cũng có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng ở liều lượng cao.
Khi sử dụng inositol với liều 12 gam mỗi ngày hoặc cao hơn, sẽ xuất hiện các tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, đầy hơi, khó ngủ, nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi [6].
Hình 3: Hình ảnh một số tác dụng phụ khi sử dụng inositol với liều 12 gam mỗi ngày hoặc cao hơn
Đối với phụ nữ mang thai, việc sử dụng inositol ở liều lượng cao không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể. Trong một nghiên cứu của tác giả Matarrelli, B và cộng sự, phụ nữ mang thai được sử dụng liều tối đa 4 gam inositol mỗi ngày [5], nhưng vẫn cần thận trọng và tuân thủ theo sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Tóm lại, inositol là một chất bổ sung có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng cũng cần sự cân nhắc và quản lý cẩn thận để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Đối với những ai đang xem xét việc bổ sung inositol vào chế độ dinh dưỡng của mình, hãy nhớ rằng sự an toàn và hiệu quả luôn là ưu tiên hàng đầu. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để có được lộ trình sử dụng inositol phù hợp và an toàn nhất.
4. Hoạt động kiểm nghiệm inositol tại Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia
Hiện nay, với nhiều trang thiết bị hiện đại và nhân viên có trình độ chuyên môn cao, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát triển phương pháp phân tích inositol bằng kỹ thuật sắc ký trao đổi ion kết hợp detector do xung ampe (HPAEC - PAD) và cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm inositol trong thực phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi với độ tin cậy cao, chính xác và nhanh chóng.
Hình 4: Hình ảnh thiết bị HPAEC - PAD sử dụng phân tích inositol
Nhóm tác giả Lê Việt Ngân và cộng sự tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã công bố bài báo “Xác định hàm lượng myo-inositol tổng số trong sữa bằng phương pháp sắc ký trao đổi ion hiệu năng cao detector đo xung ampe (HPAEC-PAD)” - https://vjfc.nifc.gov.vn/vn/article?id=3819 trên Tạp chí kiểm nghiệm và an toàn thực phẩm, sử dụng HPAEC-PAD với giới hạn phát hiện (LOD) 0,047 µg/g và các thông số tính đặc hiệu, khoảng tuyến tính, độ chụm và độ đúng đều đạt yêu cầu của AOAC.
Hình 5. Minh họa sắc ký đồ mẫu chuẩn 5 mg/L (a), mẫu trắng (b), mẫu trắng thêm chuẩn 5 mg/L (c), và mẫu thực (d) phân tích myo-inositol trong sữa bằng kỹ thuật HPAEC-PAD
Phương pháp đã áp dụng phân tích cả hai inositol tự do và inositol dạng muối phosphate để đánh giá chất lượng thực phẩm, cũng như mở ra khả năng phát triển và ứng dụng của phương pháp sắc ký trao đổi ion hiệu năng cao HPAEC.
Tác giả: Đỗ Thị Hồng Thuý
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia
Tài liệu tham khảo
- Joseph Levine (1997). “Controlled trials of inositol in psychiatry”. European Neuropsychopharmacology, 7(2) pp. 147–155.
- Barkai AI, Dunner DL, Gross HA, Mayo P, Fieve RR. (1978). “Reduced myo-inositol levels in cerebrospinal fluid from patients with affective disorder”. Biol Psychiatry, 13(1) pp. 65-72.
- Kamenov, Z., Kolarov, G., Gateva, A., Carlomagno, G., & Genazzani, A. D. (2014). “Ovulation induction with myo-inositol alone and in combination with clomiphene citrate in polycystic ovarian syndrome patients with insulin resistance”. Gynecological Endocrinology, 31(2) pp. 131–135.
- Kalra, B., Kalra, S., & Sharma, J. B. (2016). “The inositols and polycystic ovary syndrome”. Indian journal of endocrinology and metabolism, 20(5) pp. 720–724.
- Matarrelli, B., Vitacolonna, E., D’angelo, M., Pavone, G., Mattei, P. A., Liberati, M., & Celentano, C. (2013). “Effect of dietary myo-inositol supplementation in pregnancy on the incidence of maternal gestational diabetes mellitus and fetal outcomes: a randomized controlled trial”. The Journal of Maternal-Fetal & Neonatal Medicine, 26(10) pp. 967–972.
- Carlomagno G, Unfer V (2011). “Inositol safety: clinical evidences”. European review for medical and pharmacological sciences, 15(8) pp. 931-936.