- Folder Kỹ thuật - Chuyên môn
- Views 112
- Last Updated 06/08/2024
Đánh giá hạn sử dụng của sản phẩm thực phẩm là một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Quá trình này giúp xác định thời gian mà thực phẩm vẫn giữ được đặc tính chất lượng và không gây hại cho sức khỏe con người. Dưới đây là khái quát chung về đánh giá hạn sử dụng tại Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng như quy trình thực hiện đánh giá hạn sử dụng.
1. Đánh giá hạn sử dụng sản phẩm là gì?
Đánh giá hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm là quá trình ước tính khoảng thời gian mà sản phẩm có thể được sử dụng an toàn mà không mất đi các đặc tính chất lượng vốn có của nó. Đánh giá hạn sử dụng giúp nhà sản xuất/kinh doanh thực phẩm lên kế hoạch chính xác và chủ động cho thời gian lưu thông sản phẩm trên thị trường (vận chuyển, lưu trữ,…) cũng như lên kế hoạch sản xuất tiếp theo. Không những vậy, đánh giá hạn sử dụng cũng là cam kết của nhà sản xuất/kinh doanh thực phẩm với người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thực phẩm, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khỏi các nguy cơ do thực phẩm ôi thiu gây ra và góp phần vào việc giảm lãng phí thực phẩm do bỏ đi không đúng cách.
2. Các phương pháp đánh giá hạn sử dụng sản phẩm
Để xác định hạn sử dụng chính xác, cần có các các nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm, theo dõi định kỳ và liên tục sản phẩm từ lúc sản xuất đến khi sản phẩm không còn đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn. Các phương pháp nghiên cứu độ ổn định thường được áp dụng hiện nay bao gồm nghiên cứu theo thời gian thực và nghiên cứu lão hóa cấp tốc.
Hiện nay việc thử nghiệm các vhỉ tiêu chất lượng và an toàn của thực phẩm đã được các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm quan tâm để kiểm soát chất lượng thực phẩm, tuy nhiên các dữ liệu này chưa đủ để làm căn cứ xác định thời hạn sử dụng của sản phẩm. Để ước tính hạn sử dụng của sản phẩm chúng ta cần thực hiện nghiên cứu hạn bởi những người có kinh nghiệm, am hiểu về các yếu tố biến đổi trong thực phẩm và tác động của môi trường lên thực phẩm, cũng như có kinh nghiệm thiết kếphương pháp bố trí thí nghiệm, quan sát và ghi nhận đúng thời điểm, đảm bảo lựa chọn mô hình thử nghiệm phù hợp.
Tùy theo đặc tính của sản phẩm, các yếu tố cần nghiên cứu, đánh giá để ước tính hạn sử dụng được xem xét bao gồm các tác nhân gây ra sự biến đổi của thực phẩm hoặc các yếu tố chỉ điểm chất lượng thực phẩm như vi sinh vật gây bệnh, vi sinh vật chỉ điểm vệ sinh, hoạt độ nước hoặc độ ẩm, độ acid hay pH, các đặc tính cảm quan, các thành phần dinh dưỡng, độc tố vi nấm, độc tố vi khuẩn ….
Nghiên cứu đánh giá hạn sử dụng của thực phẩm được thực hiện tại Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu đánh giá hạn sử dụng, các phép thử sử dụng trong nghiên cứu đánh giá đãđược công nhận đáp ứng theo các yêu cầu của TCVN ISO/IEC 17025:2017.
3. Quy trình gửi mẫu đánh giá hạn sử dụng
Quý khách hàng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu đánh giá hạn sử dụng sản phẩm có thể tham khảo quy trình tóm tắt các giai đoạn đánh giá hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm tại Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia như sau:
Sơ đồ tóm tắt quá trình gửi mẫu đánh giá hạn sử dụng tại Viện KNATVSTPQG
Diễn giải sơ đồ:
Khi khách hàng có nhu cầu đánh giá/ nghiên cứu hạn sử dụng của sản phẩm có thể thực hiện theo các bước sau:
- Liên hệ đến Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để gặp chuyên gia tư vấn và hỗ trợ (Theo thông tin bên dưới). Khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết của mẫu, bao gồm: tên đầy đủ, số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng, thành phần cấu tạo và điều kiện bảo quản.
- Nhận báo giá sơ bộ: Sau khi tiếp nhận thông tin mẫu, chuyên gia tư vấn sẽ báo giá sơ bộ tùy vào từng loại sản phẩm. Thông thường đối với các sản phẩm theo dõi ở điều kiện thực sẽ dao động trong khoảng 10-15 triệu/sản phẩm; các sản phẩm theo dõi lão hóa cấp tốc có thể từ 15-20 triệu/sản phẩm. Sau khi thống nhất được báo giá, Viện sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Nếu khách hàng không đồng ý báo giá, đề nghị của khách hàng sẽ dừng tiếp nhận tại đây.
- Lập đề cương theo dõi: Bộ phận nghiên cứu sẽ lập đề cương dựa trên các thông tin thu thập được từ khách hàng. Tùy theo loại sản phẩm như các sản phẩm có vòng đời ngắn (trái cây, thịt cá tươi, rau củ quả,…) hay các sản phẩm có độ ổn định cao (bánh kẹo, ngũ cốc,…) và thành phần trong sản phẩm, mà các chuyên gia của Viện sẽ đưa ra các phương án nghiên cứu về các yếu tố biến đổi trong thực phẩm và tác động của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm) qua các nghiên cứu thời gian thực hoặc lão hóa cấp tốc ở các nhiệt độ.
- Thông qua đề cương và ký hợp đồng: Đề cương theo dõi sẽ được thông qua hội đồng chuyên môn của Viện trước khi gửi dự thảo hợp đồng cho khách hàng. Nếu khách hàng có ý kiến về hợp đồng, Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật sẽ rà soát, thống nhất và điều chỉnh (nếu cần). Khách hàng và Viện thống nhất các nội dung và ký hợp đồng.
- Tiếp nhận mẫu: Khách hàng gửi mẫu đến với đủ số lượng và quy cách đóng gói theo hợp đồng đã ký đến Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Mẫu sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm của Viện để tiến hành nghiên cứu theo đề cương.
- Đánh giá độ đồng nhất: Trước khi đưa vào nghiên cứu, mẫu sẽ được đánh giá về độ đồng nhất. Nếu không đạt độ đồng nhất, nghiên cứu sẽ dừng lại. Nếu đạt độ đồng nhất, tiến hành nghiên cứu độ ổn định theo đề cương.
- Đánh giá độ ổn định: Dựa trên đề cương, mẫu được bảo quản ở các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm như đề cương đã đưa ra. Phòng thí nghiệm sẽ theo dõi và phân tích các chỉ tiêu tại các thời điểm như quy định. Các số liệu được nhóm chuyên gia đánh giá thu thập, quan sát xu hướng biến đổi để có các điều chỉnh kịp thời.
- Xử lý số liệu và ra báo cáo: Các kết quả phân tích các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh trong đề cương được thu thập lại. Chuyên gia sẽ đánh giá dựa trên xu hướng biến đổi và các tính toán cần thiết để đưa ra hạn sử dụng dự kiến của sản phẩm sau khi thực hiện phương pháp đánh giá.
- Báo cáo được thẩm xét bởi hội đồng: Báo cáo kết quả được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn thông qua trước khi được gửi cho khách hàng. Báo cáo sẽ nhận được các góp ý từ chuyên gia trong hội đồng để có các sửa chữa phù hợp.
- Nhận báo cáo và phản hồi: Khách hàng sẽ nhận được báo cáo đánh giá từ Viện qua nhân viên tiếp nhận ban đầu cả bản giấy và bản điện tử. Báo cáo này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về ước tính hạn sử dụng của sản phẩm dựa trên các phân tích và thử nghiệm đã thực hiện. Khách hàng đọc kỹ báo cáo khi nhận,mọi thắc mắc xin liên hệ với Bộ phận nhận mẫu thuộc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật của Viện để được giải đáp.
Việc đánh giá hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm giúp cơ sở sản xuất kinh doanh tự tin khi cung cấp các sản phẩm thực phẩm tới người tiêu dung, là cơ sở để xác nhận sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng cho tới hạn sử dụng. Quý khách có thể tham khảo tại website của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia hoặc liên hệ trực tiếp qua số hotline để được tư vấn cụ thể hơn.
Vũ Thị Nhật Lệ - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
Liên hệ tư vấn và gửi mẫu kiểm nghiệm
- Trụ sở chính: Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
Địa chỉ: 65 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 085 929 9595
Email: baogia@nifc.gov.vn/ nhanmau@nifc.gov.vn
- Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Cảng Tân Cảng - Cát Lái, Phòng A102, Cổng B Cảng Cát Lái, Số 1295B đường Nguyễn Thị Định, P. Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.37.400.888/ Hotline: 0918.959.678 (Mr. Nghị)
Email: baogia@nifc.gov.vn/ vpsg.nifc@gmail.com
- Văn phòng đại diện tại Hải Phòng
Địa chỉ: Số 1 Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng
Điện thoại: 0225.8830316/ Hotline: 0983.300.226 (Ms. Thương)
Email: vphp@nifc.gov.vn