Kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

1. Vài nét về Thực phẩm chức năng

1.1. Một số khái niệm

Theo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thỏa mái, tăng sức đề kháng giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.

  • Thực phẩm bổ sung (TPBS) là thực phẩm được bổ sung vitamin, khoáng chất, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau: 
    • Vitamin, khoáng chất, acid amin, acid béo, enzyme, probiotic và các chất có hoạt tính sinh học khác.
    • Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
    • Các nguồn tổng hợp của những thành phần trên.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng bào chế như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác, được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

  • Thực phẩm dinh dưỡng y học (còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt) là loại thực phẩm có thể được đưa vào cơ thể con người qua ăn đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

1.2. Phân biệt Thực phẩm chức năng với thuốc và thực phẩm thông thường

  • Khác biệt của thực phẩm chức năng so với thực phẩm: 
    • TPCN được nghiên cứu thiết kế và sản xuất thành các sản phẩm có công thức cụ thể, rõ ràng: bổ sung một số thành phần hữu ích với liều lượng nhất định hoặc giảm bớt một số thành phần bất lợi. Việc bổ sung hay giảm bớt này phải có bằng chứng khoa học chứng minh và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Do vậy phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có thể khác với các phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm thông thường
    • TPCN có thể có hoạt tính sinh học, cải thiện một số chức năng sinh lý của cơ thể rõ rệt hơn là các loại thực phẩm thông thường.
    • Liều lượng sử dụng TPCN hàng ngày thường nhỏ nhưng phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc có thể tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.
  • Khác biệt của thực phẩm chức năng so với thuốc: 
    • Đối với thực phẩm chức năng, nhãn sản phẩm được công bố đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn phải phù hợp các quy định về dược phẩm, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định.
    • Thông thường thành phần cấu tạo của thực phẩm chức năng phức tạp hơn so với thuốc. Vì vậy, khi kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, cần nghiên cứu đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng của nền mẫu.
    • TPCN có được thể sử dụng trong thời gian dài để bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà đảm bảo an toàn, không có độc hại tới sức khỏe người dùng.
    • Các sản phẩm thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự kê đơn của thầy thuốc và được theo dõi sức khỏe của cán bộ y tế

1.3. Một số chú ý khi sử dụng Thực phẩm chức năng, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe

  • Đối với những sản phẩm dùng trực tiếp, có nguồn gốc tự nhiên, nên lưu ý những sản phẩm còn nguyên nhãn mác, còn mới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loai nặng, một số chỉ tiêu vi sinh vật.
  • Những sản phẩm đã qua bào chế, người sử dụng phải đọc nhãn bao bì. Ngoài các thông tin của một thực phẩm thông thường, thực phẩm chức năng ghi rõ tên nhóm sản phẩm như thực phẩm bổ sung hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ….
  • Trên bao bì của TPCN thường cung cấp 2 loại thông tin: 
    • Xác nhận có lợi cho sức khỏe (health claim): Ví dụ như sản phẩm dành cho người tiểu đường hoặc sản phẩm dùng để nuôi qua ống thông dạ dày. Những thực phẩm có xác nhận về sức khỏe phải được cơ quan y tế chứng nhận trước khi đưa ra thị trường và sản phẩm phải được chứng minh bằng các nghiên cứu.
    • Xác nhận về cấu trúc chức năng (structure/function claims). Những thực phẩm này mới chỉ có những lợi ích tiềm tàng (chưa chắc chắn) đối với sức khỏe con người. Ví dụ thực phẩm bổ sung Oligofructose có tác dụng hỗ trợ đường tiêu hóa, sản phẩm có chứa Chondroitin, Glucosamin, Canxi gluconate có tác dụng tăng dịch khớp, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các nguy cơ thoái hóa hệ thống xương khớp, loãng xương. Những xác nhận về cấu trúc/chức năng có thể do tác dụng đã được biết đến của một hay nhiều thành phần có sẵn hoặc được bổ sung vào thực phẩm.
  • Để chọn lựa đúng những loại TPCN cần thiết, người sử dùng nên đọc kỹ cả phần đối tượng sử dụng, liều dùng, công dụng, các lưu ý đặc biệt xem có phù hợp với mục đích sử dụng. Chú ý xem tên, địa chỉ của nhà sản xuất để tránh hàng giả, hàng nhái.

2. Vai trò của kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung

Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Số lượng và chủng loại các sản phẩm TPCN, TPBVSK được lưu thông trên thị trường ngày càng nhiều. Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất đa dạng về chủng loại đóng gói (viên nén, viên nang, siro, dung dịch,…) và có nguồn gốc cả từ sản xuất trong nước (từ nguyên liệu tự sản xuất hoặc nguyên liệu ngoại nhập) và từ các nước có mức phát triển khác nhau trên thế giới (Mỹ, Châu Âu, Ấn độ, Trung quốc,…). Do đó mức chất lượng của các sản phẩm có thể sẽ khác nhau. Ngoài ra, các quy định về điều kiện bảo quản, buôn bán, phân phối thực phẩm chức năng chưa đầy đủ và có thể không được tuân thủ nên với điều kiện thời tiết ở Việt Nam có thể tiềm ẩn các nguy cơ làm giảm chất lượng sản phẩm trên thị trường. Do vậy vai trò của kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung ngày càng quan trọng, góp phần giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đang chuyển biến mạnh mẽ, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động phát hiện, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm trong nước và xuất khẩu, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của hội nhập kinh tế quốc tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các phương pháp phân tích mới được nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới sẽ giúp tăng cường chất lượng hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung.

Mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường đều phải có các bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Trong đó quy định Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện chế độ kiểm tra và kiểm nghiệm định kỳ theo quy định hiện hành và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố, đồng thời định kỳ 03 năm phải thực hiện lại việc đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm này. Nội dung của bản công bố này cho mỗi sản phẩm là căn cứ chính để thực hiện việc phân tích và so sánh đánh giá chất lượng sản phẩm.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế được thành lập theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 23/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia là đơn vị chuyên ngành triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

3. Năng lực kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

* Nhóm các chỉ tiêu Vật lý - Cảm quan:

  • Cảm quan: màu sắc, trạng thái, mùi, vị.
  • Chỉ số khúc xạ, độ pH, tỉ trọng, độ cứng, ….
  • Khối lượng trung bình viên, thể tích thực
  • Độ rã, độ hòa tan
  • Độ đồng đều khối lượng, độ đồng đều hàm lượng

* Nhóm các chỉ tiêu chất lượng:

  • Thành phần đa lượng: Độ ẩm, tro, protein (đạm), lipid (béo), carbohydrat (glucid).
  • Thành phần vi lượng: 
    • Các loại vitamin tan trong dầu (A, D, E, K), vitamin tan trong nước (nhóm B, C)
    • Các khoáng chất: Natri, Kali, Calci, Sắt, Kẽm, Magie, Selen…
    • Một số hoạt chất: Cholin, Taurin, nucleotide, HMO,…
  • Định tính Dược liệu bằng kỹ thuật sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC):
  • Định lượng các hoạt chất có nguồn gốc dược liệu: Flavonol, Isoflavon, Silymarin,…
  • Định lượng các hoạt chất nguồn gốc tổng hợp: Glucosamin, MSM, Glutathion,…
  • Phân tích các chỉ tiêu xơ tiêu hóa - prebiotic (GOS, FOS, Glucomannan, …)
  • Phân tích các chỉ tiêu lợi khuẩn - probiotic (Lactobacillus, Bifidobacterium,…)
  • Phân tích thành phần tá dược, phụ gia: phẩm màu, chất bảo quản, hương liệu,…)

* Nhóm các chỉ tiêu an toàn:

  • Xác định hàm lượng kim loại nặng: Pb, Cd, As, Hg (vô cơ và hữu cơ)
  • Phân tích độc tố vi nấm - mycotoxin (Aflatoxin, Ochratoxin, Citrinin,….)
  • Phân tích dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (tất cả các nhóm Pesticide)
  • Phân tích xác định giới hạn ô nhiễm vi sinh vật (E. coli, nấm men, mốc,….)
  • Phân tích xác định các chất tân dược trộn trái phép: 
    • Sildenafil và các chất ức chế PDE5 trong TPCN cường dương
    • Sibutramin và các chất tương tự trong TPCN giảm cân
    • Phenformin, Metformin,….trong TPCN tiểu đường,…
    • Corticoids, NSAIDs trong TPCN hỗ trợ xương khớp
  • Phân tích sàng lọc các chất chưa biết trên hệ thống sắc ký phân giải cao (HR-MS)

* Trang thiết bị:

Nhằm kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã trang bị các thiết bị hiện đại và đồng bộ: hệ thống sắc ký lỏng (HPLC-DAD, HPLC-FLD, HPLC-RI, HPLC-ELSD), sắc ký lỏng khối phổ (LC-MS/MS), sắc ký khí (GC-FID, GC-MS), sắc ký ion (HPAEC-PAD), sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC), máy đo độ rã, máy đo độ hòa tan, máy đo kích thước hạt nano, quang phổ (UV-VIS),…

* Nền mẫu kiểm nghiệm:

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện kiểm nghiệm tất cả các nền mẫu trong chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung: nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm. Hiên nay, Viên đang phối hợp với nhiều đơn vị trong nghiên cứu hạn sử dụng của sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các thành phần trong công thức thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung.

* Phương pháp kiểm nghiệm:

Các quy trình phân tích dùng để kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung tại Viện đều tham khảo các phương pháp tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế thế giới như: ISO, AOAC, Dược điển Hoa Kỳ, Dược điển Trung Quốc,… và tất cả các quy trình này đã được thẩm định theo quy định của ISO 17025. Phần lớn các phương pháp này đã được công nhận Vilas.

4. Lý do chọn Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

  • Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là phòng thí nghiệm trọng tài quốc gia về thực phẩm nói chung, trong đó có thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung.
  • Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm được công nhận ISO/IEC 17025:2017 đối với các chỉ tiêu kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung.
  • Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã được Bộ Y tế, Bộ Công Thương chỉ định là Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung.
  • Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tham gia trong hệ thống phòng thí nghiệm chuẩn ASEAN về kiểm nghiệm thực phẩm.
  • Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nằm trong hệ thống phòng thí nghiệm thực hiện xác nhận giá trị sử dụng liên phòng thí nghiệm của phương pháp thử AOAC International.

Với mục tiêu trở thành một trong những đơn vị uy tín hàng đầu tại Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực kiểm nghiệm, giám định, chứng nhận sản phẩm thực phẩm và các lĩnh vực chuyên môn khác có liên quan, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia không ngừng nỗ lực phát triển chuyên môn, tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với những dịch vụ phân tích của Viện  bằng các phương pháp đã được công nhận, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng phân tích và thời gian kiểm nghiệm. Sử dụng những kết quả kiểm nghiệm với những phương pháp phân tích tối ưu trên hệ thống thiết bị kiểm nghiệm tiên tiến nhất để phục vụ xã hội, cộng đồng và các doanh nghiệp.

Liên hệ tư vấn và gửi mẫu kiểm nghiệm

  • Trụ sở chính: Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia

Địa chỉ: 65 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline: 085 929 9595

Email: baogia@nifc.gov.vn

  • Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Cảng Tân Cảng - Cát Lái, Phòng A102, Cổng B Cảng Cát Lái, Số 1295B đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2, TP HCM

Điện thoại: 028.37.400.888/ Hotline: 0918.959.678 (Mr. Nghị)

Email: vpsg.nifc@gmail.com

  • Văn phòng đại diện tại Hải Phòng

Địa chỉ: Số 1 Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Điện thoại: 0225.8830316/ Hotline: 0983.300.226 (Ms. Thương)

Email: dothanhthuong226@gmail.com

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4488687
  • Hàng tháng4357
  • Hôm nay762
  • Đang Online9