Phòng chống ngộ độc cà độc dược

Cà độc dược là một loại thực vật dùng làm thuốc, tuy nhiên cũng có độc tính cao. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tính cao nếu sử dụng không đúng cách.

Tác dụng không mong muốn của cà độc dược đối với cơ thể bao gồm khô miệng, khát nước; tăng nhịp tim; có khả năng tác động đến thần kinh gây mê sảng, ảo giác; đặc biệt là hạt và hoa của chúng thậm chí có thể gây tử vong. Trong những năm vừa qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc liên quan đến cà độc dược và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc cà độc dược.

1. Một số vụ ngộ độc liên quan đến cà độc dược tại Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có những báo cáo ngộ độc liên quan đến cà độc dược. Trong giai đoạn 2014 - 2022, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc liên quan đến cà độc dược

như sau:

Tháng 7/2014, tại Quảng Ngãi: 6 người trong một gia đình bị ngộ độc sau khi ăn canh cà độc dược. Các bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tinh thần, mất thị lực khi nhập viện và được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được xác định là do ăn canh cà độc dược.

Tháng 3/2016, tại Thanh Hóa: 4 người nhập viện trong tình trạng loạn thần sau khi ăn hoa cà độc dược chế biến và được cấp cứu kịp thời.

Tháng 12/2017, tại Thái Bình: 7 người uống rượu ngâm cà độc dược và có biểu hiện tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ.

Tháng 7/2020, tại Lào Cai: 3 người trong số 11 người ăn ngọn cà độc dược chế biến và có triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn và đau đầu. Nguyên nhân là do ăn phải phần ngọn của cây chứa độc tố, họ được điều trị tại các bệnh viện địa phương và cấp cứu kịp thời. Kết quả kiểm nghiệm sàng lọc độc chất của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện mẫu có chứa atropine, đây là các tropane alkaloid của các cây thuộc họ Cà (Solanaceae sp.).

Tháng 8/2023, tại Đắk Lắk: 5 người trong gia đình có triệu chứng nôn ói và co giật sau khi ăn cơm với cà độc dược, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, được chẩn đoán ngộ độc cà độc dược và cấp cứu kịp thời.

Cà độc dược có chứa nhiều alkaloid, có tác dụng làm thuốc nhưng cũng có độc. Nhiều người dùng cà độc dược để trị các bệnh như say xe, đau nhức xương khớp, cảm lạnh, sốt cao, hen phế quản, hen suyễn và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng liều lượng hoặc không tham khảo ý kiến của bác sĩ, cà độc dược có thể gây ngộ độc. Cho đến nay, vẫn còn có trường hợp ngộ độc cà độc dược xảy ra rải rác tại các địa phương, do người dân không có kiến thức đầy đủ về cách sử dụng cà độc dược an toàn và hiệu quả.

2. Nhận dạng Cà độc dược

Hiện nay, có hai loài thuộc họ Cà (Solanaceae) đều được người dân tại các địa phương gọi là cà độc dược, đó là Datura metel L. và Solanum viarum Dunal.

Tên gọi khác: Mạn đà la, Độc giã, Cà diên, Sùa tùa (H’mông), Plờn (Kho), Cà lục lược (Tày), Hìa kía piếu (Dao), Cà trái vàng, Cà tàu, Cà gai nepal, Cà gai độc.

2.1. Loài cà độc dược Datura metel L.

- Tên khoa học: Datura metel L., họ Cà (Solanaceae)

- Mô tả hình thái:

  • Cây thân thảo, sống hằng năm với phần gốc của thân cây hóa thân gỗ, mọc hàng năm, cao từ 1-2 m. Toàn thân gần như nhẵn, có nhiều bì khổng. Cành non và các bộ phận non có nhiều lông tơ ngắn. Thân cây có màu xanh, hoặc màu tím, tùy theo dạng.
  • Lá đơn, mọc cách, nhưng gần đầu cành trông như mọc đối hay mọc vòng. Phiến lá hình trứng dài 9-10 cm, rộng từ 4-9 cm, ngọn lá nhọn, phía đáy lá hơi hẹp lại. Hai bên của đáy lá không đều nhau. Mép lá ít khi nguyên, thường lượn sóng hay hơi xẻ răng cưa (độ 3-4 răng cưa). Mặt lá màu xanh xám, mặt dưới màu xanh nhạt, gân chính và phụ màu xanh, hoặc tím tùy theo dạng. Cuống lá dài 4-8 cm. Mặt lá lúc non có nhiều lông, sau rụng dần.
  • Hoa đơn mọc ở kẽ lá, cuống lá dài 1-2 cm. Khi hoa héo, một phần còn lại trưởng thành với quả giống hình cái mâm. Loại hoa tím có đốm tím ở trên.
  • Quả hình cầu mặt ngoài có gai, đường kính chừng 3cm, khi non có màu xanh, khi chín có màu nâu. Quả khi già, nứt theo 3-4 đường hay nứt lung tung ở phía trên. Hạt rất nhiều, hình trứng, dẹt, màu vàng đen, dài 3-5 mm, dày 1 mm, ở cạnh có những vân nổi.

ca-doc-duoc-datural-metel-l

Hình 1. Cà độc dược Datural metel L.

(A - Hoa; B – Quả xanh và quả chín)

- Phân bố: Cây có nguồn gốc ở Peru và Mexico, du nhập và phân bố rộng rãi khắp nơi tại Việt Nam từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Cây thường mọc ở những nơi đất ẩm ở vườn hoặc quanh nhà, những bãi hoang ven đường, bãi đá ven suối. Một số tỉnh có nhiều cà độc dược mọc hoang như Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, … nhưng trữ lượng không đáng kể.

2.2. Loài cà gai vàng/ Cà độc dược Solanum viarum Dunal

- Tên khoa học: Solanum viarum Dunal, họ Cà (Solanaceae)

- Mô tả hình thái:

  • Cây bụi đứng, thân thảo, cao 50-80 cm, phân nhiều cành lòa xòa. Thân đầy lông và gai; gai có gốc xanh lục nhạt, chuyển dần lên phía trên màu vàng rồi vàng sậm, cong hay thẳng; gai cong nhiều hơn, nhọn sắc và cứng khỏe, dài 5-9 mm và rộng 3-4 mm; gai thẳng ít hơn, như kim, dài 2-5 mm và rộng 0,7-1 mm.
  • Lá đơn, mọc so le, không có lá kèm; đoạn mang hoa có hai lá không đều, mọc vuông góc thành đôi. Cuống lá có gai. Phiến lá hình xoan tam giác, kích thước 11-12 x 10-12,5 cm, gốc hình tim, đối xứng hay lệch nhau một đoạn 1-2 mm, mỗi bên có 4-6 thùy cạn, không đều, đầy lông và gai trên cả hai mặt; gai chỉ có trên gân lá, luôn thẳng, cứng khỏe, đa số dài 15-20 mm, một số ít gai dài 4-10 mm.
  • Hoa riêng lẻ ở giữa lóng và xim hình bò cạp 3-4 hoa ngoài nách lá, trong đó 1-2 hoa ở gốc đính sát vào thân. Hoa đều, mẫu 5, màu trắng. Hoa đơn lẻ và hoa ở gốc xim là hoa lưỡng tính có khả năng kết quả; các hoa còn lại trong cụm hoa là hoa đực, rụng đi sau khi nở.

Quả trưởng thành nhẵn, tròn, màu vàng khi chín và có đường kính từ 1,5 đến 2,5 cm với lớp vỏ như da bao quanh cùi có lớp mỏng, màu xanh nhạt, có mùi thơm và 180 đến 420 hạt dẹt, màu nâu đỏ. Mỗi cây có khả năng cho 200 quả trở lên mỗi năm.

ca-gai-vang-ca-doc-dưoc-solanum-viarum-dunal

Hình 2. Cà gai vàng/ Cà độc dược Solanum viarum Dunal

(A - Hoa; B – Quả xanh và quả chín)

- Phân bố: Cây có nguồn gốc từ Brazil và Argentina, du nhập và phân bố rộng rãi khắp nơi tại Việt Nam từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Cây thường mọc ở những nơi đất ẩm ở vườn hoặc quanh nhà, những bãi hoang ven đường, bãi đá ven suối. Một số tỉnh có nhiều cà độc dược mọc hoang như Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, … nhưng trữ lượng không đáng kể.

Bảng 1. Một số thực vật dễ nhầm lẫn với cây Datura metel L. và Solanum viarum Dunal

mot-so-thuc-vat-de-nham-lan-voi-cay-datura-metel l-va-solanum-viarum-dunal

3. Độc tố của cà độc dược

 

Datura metel L.

Solanum viarum Dunal

Độc tố

Alkaloid tropane (hyoscyamine, scopolamine và atropine)

Alkaloid steroid (solasodine, solamargine và solasonine)

Liều gây chết

Khoảng 100 mg alkaloid tropane

Khoảng 200 mg alkaloid steroid

Liều hiệu quả

Chênh lệch giữa liều có hiệu quả và liều gây ngộ độc rất nhỏ

Công dụng trong y học cổ truyền

Trị ho, hen suyễn, đau bụng, say tàu xe, bệnh Parkinson và làm thuốc dịu thần kinh

Trị viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm da, viêm khớp và làm thuốc sát trùng

Tác dụng phụ

Gây ngứa, buồn nôn, rối loạn đường tiêu hóa, độc gan, rối loạn nhịp tim

Các alkaloid này có thể gây ra các phản ứng dị ứng hoặc độc hại cho gan, thận và tim

Bảng 2. Độc tố của Datura metel L. và Solanum viarum Dunal

alkaloid-gay-doc dien-hinh-cua-datura-metel-l

Hình 3. Một số alkaloid gây độc điển hình của Datura metel L

alkaloid-gay-doc-dien-hinh-cua-solanum-viarum-dunal

Hình 4. Một số alkaloid gây độc điển hình của Solanum viarum Dunal

4. Phòng chống và xử lý ngộ độc cà độc dược

a) Triệu chứng ngộ độc

- Các triệu chứng xuất hiện khoảng 5 - 30 phút sau ăn/ uống.

+ Tai mũi họng mắt: giãn đồng tử, khô miệng.

+ Tim mạch: mạch nhanh

+ Bụng chướng, bí tiểu

+ Thần kinh: đau đầu, chóng mặt, nặng có thể mê sảng, kích thích

+ Da - niêm mạc: da khô, chuyển hồng hoặc đỏ.

b) Xử trí ngộ độc

Xử lý ngộ độc cà độc dược cần được thực hiện theo hai nguyên tắc:

(1) Xử trí sớm, tích cực, khẩn trương;

(2) Phải đảm bảo các chức năng sống ổn định, đặc biệt đảm bảo kiểm soát hô hấp, nhanh chóng cắt cơn co giật, ổn định tuần hoàn trước khi áp dụng các biện pháp khác.

Khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến cà độc dược, cần lập tức xử lý gây nôn cho bệnh nhân sau đó nhanh chóng chuyển đến cho các cơ quan y tế để xử lý. Các biện pháp cụ thể nhằm xử lý ngộ độc cà độc dược như sau: 

- Hạn chế hấp thu: Gồm các biện pháp như sau (do nhân viên y tế thực hiện và theo dõi):

+ Gây nôn: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

+ Rửa dạ dày: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn cà độc dược trong vòng 6 giờ.

+ Sử dụng than hoạt: Dùng sau khi gây nôn hoặc rửa dạ dày. Không dùng khi đang co giật, suy hô hấp hoặc hôn mê chưa có ống nội khí quản.

- Điều trị triệu chứng: Sau khi bệnh nhân được xử trí theo các bước trên, cần theo dõi sát các dấu hiệu co giật, nhịp tim chậm, liệt cơ có thể dẫn đến suy hô hấp.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ là quan trọng, không có thuốc giải độc đặc hiệu.

5. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc cà độc dược

    Tháng 9-12/2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện hoạt động “Phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc” cùng với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên, với kết quả là bộ tài liệu tuyên truyền (gồm áp phích và tờ rơi) để cung cấp những thông tin chung về ngộ độc cà độc dược và các cách phòng tránh ngộ độc do nhầm lẫn cho cán bộ y tế/ cán bộ tuyên truyền, từ đó có thể hướng dẫn/ tuyên truyền các thông tin cô đọng và súc tích đến người dân.

to-roi-tuyen-truyen-phong-chong-ca-doc-duoc

Hình 5. Tờ rơi và áp phích tuyên truyền dành cho người dân

hoat-dong-tuyen-truyen-tai-dien-bien

Hình 6. Hoạt động tuyên truyền tại tỉnh Điện Biên.

hoat-dong-tuyen-truyen-tai-ha-giang

Hình 7. Hoạt động tuyên truyền tại tỉnh Hà Giang

Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc do cà độc dược nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc cà độc dược sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc do cà độc dược. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.

Tờ rơi phòng chống ngộ độc cà độc dược: Link

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2015). Quyết định số 3610/QĐ-BYT về ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc".

2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Liêu Hồ Mỹ Trang và Hồ Thị Bích Hằng (2014). Đặc điểm hình thái và vi hoặc của cây cà trái vàng (Solanum viarum Dunal) ở Miền Nam Việt Nam. Tạp Chí Học Thành Phố Hồ Chí Minh, 18(2), 457–463.

4. Chan T.Y.K. (2017). Worldwide Occurrence and Investigations of Contamination of Herbal Medicines by Tropane Alkaloids. Toxins, 9(9), 284.

5. Al-Sinani S., Eltayeb E., Yt K. và cộng sự. (2015). Variations in the cytotoxic glycoalkaloids (solamargine and solasonine) in different plant parts during development of Solanum incanum grown in Oman. J Taibah Univ Sci, 56.

6. Cổng Thông tin chính phủ (2021). Chủ động phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên. Cổng Thông tin chính phủ, <https://baochinhphu.vn/chu-dong-phong-chong-ngo-doc-do-doc-to-tu-nhien-102302917.htm>

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4767388
  • Hàng tháng1996
  • Hôm nay2175
  • Đang Online7