- Folder Kỹ thuật - Chuyên môn
- Views 5778
- Last Updated 07/04/2023
Cây Hồng trâu mọc dại ở rừng, phổ biến ở các khu vực núi đá ven biên giới, quả to đẹp, nhìn bắt mắt, nên người dân thường hái ăn. Nhiều trường hợp sau khi ăn quả Hồng trâu đã phải nhập viện, thậm chí tử vong. Trong những năm vừa qua, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân vụ ngộ độc liên quan đến quả Hồng trâu và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc quả hồng trâu.
1. Tình hình ngộ độc liên quan đến quả hồng trâu
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có những báo cáo liên quan đến ngộ độc quả Hồng trâu. Từ năm 2014, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc liên quan đến Hồng trâu như sau:Tháng 8/2014 tại Cao Bằng, trên địa bàn xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, đã xảy vụ ngộ độc do cùng ăn một loại quả rừng nghi có độc tố tự nhiên làm 10 người mắc và 3người tử vong. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp điều tra, thu thập mẫu quả gây ngộ độc và bước đầu định loài mẫu cây, quả gây ngộ độc tại tỉnh Cao Bằng là cây Hồng trâu.
Tháng 8/2014 tại Hà Giang xảy ra 2 vụ ngộ độc liên quan đến ăn quả rừng. Vụ thứ nhất xảy ra tại thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc có 3 trẻ em dân tộc Mông trong lúc đi chăn dê giúp gia đình đã ăn quả rừng dại khiến cả 3 bị ngộ độc và 2 trẻ tử vong. Vụ thứ hai xảy ra tại thôn Chúng Pả, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh có 2 người lớn và 1 trẻ em thuộc dân tộc Mông, trong lúc đi chăn trâu thấy quả rừng đẹp nên đã hái ăn, khiến cả 3 đều nhập viện và 1 trẻ tử vong. Ngay sau khi các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Trung tâm Y tế huyện và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã lấy mẫu quả gây ngộ độc gửi lên tuyến trên xét nghiệm và xác định loại quả rừng là Hồng trâu.
Tháng 8/2015, tại Lào Cai, tại thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương xảy ra vụ ngộ độc gồm 5 trẻ nhỏ lên rừng nhặt củi và hái một loại quả của cây rừng có hình dáng, màu sắc nâu tím để ăn, dẫn đến 1 trẻ tử vong. Loại quả này được người dân địa phương xác nhận là Hồng trâu mọc hoang.
Tháng 10/2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai thông tin về ngộ độc thực phẩm nhóm 17 học sinh ở thôn Hát Tình, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, thấy cây ven đường nhiều quả chín nên rủ nhau hái ăn, đến chiều tất cả nhập viện cấp cứu, trong đó một học sinh tử vong. Bệnh viện nhi trung ương tiếp nhận điều trị 08 bệnh nhân và gửi16 mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định nguyên nhân. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện các mẫu nước tiểu phát hiện Stachydrine, alkaloid gây độc của quả Hồng trâu.Hồng trâu là loại quả rừng có màu tím đẹp, vì vậy nên người dân dễ nhầm lẫn với các loại quả ăn được, có thể hái lấy để ăn hoặc mang ra chợ bán.
2. Giới thiệu về cây Hồng trâu
- Tên khoa học: Hồng trâu (Capparis versicolor Griff.), họ Màn màn (Capparaceae).
- Hồng trâu được người dân gọi với các tên khác như cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng), cây gai xanh, …
- Mô tả cây: Cây Hồng trâu thường mọc ở khu vực núi đá, nó thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 - 12 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả Hồng trâu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hàng năm.
Hình 3 Cây Hồng trâu
(A - Quả và hạt; B - Lá; C - Quả và cành)
- Nơi sống: Cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh vùng núi đá vôi, thảm cây bụi hoặc ven rừng, ở độ cao từ 100-1000 m, thường gặp ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Khánh Hòa, …
- Một số thực vật dễ nhầm lẫn với Hồng trâu: Bún, Vú sữa
Bảng 2 Một số thực vật dễ nhầm lẫn với quả Hồng trâu
3. Độc tố của Hồng trâu
Độc tố của quả Hồng Trâu là alkaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Các alkaloid có nhiều phân nhóm khác nhau, với đặc điểm chung là nhiều dị vòng, một số chất điển hình: Stachydrine, Cadabicine, Capparispine, Capparisine, …
Hình 4 Một số alkaloid gây độc điển hình của quả Hồng trâu
Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18 g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72 g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
4. Phòng chống và xử lý ngộ độc Hồng trâu
*Triệu chứng ngộ độc
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 3-6 giờ ăn quả rừng độc với các biểu hiện cấp tính như: đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, men gan tăng, rối loạn điện giải do mất nước… Các triệu chứng chính bao gồm:
- Ngộ độc ở giai đoạn đầu bệnh nhân có biểu hiện: choáng váng, mệt mỏi, lơ mơ.
- Tim mạch: gây rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch.
- Hô hấp: gây phù phổi cấp dẫn đến suy hô hấp.
- Tiêu hóa: gây đau bụng dữ dội,nôn mửa, tiêu chảy,...
- Cơ quan khác như: gan, thận...
- Nếu không phát hiện sớm, xử trí và chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.
*Phòng chống ngộ độc
- Chặt bỏ cây Hồng trâu.
- Tuyên truyền kiến thức, tránh các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn với các loại thực vật khác có thể được sử dụng làm thực phẩm.
*Xử lý ngộ độc Hồng trâu
Không có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân ngộ độc liên quan đến Hồng trâu, cần thông báo cho các cơ quan y tế và vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới;
- Gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng).
- Tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp).
- Xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
5. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc Hồng trâu
Tháng 10-12/2022, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện hoạt động “Phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc lá ngón, hồng trâu” cùng với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, với kết quả là bộ tài liệu tuyên truyền (gồm áp phích và tờ rơi) để cung cấp những thông tin chung về ngộ độc quả Hồng trâu và các cách phòng tránh ngộ độc do nhầm lẫn cho cán bộ y tế/ cán bộ tuyên truyền, từ đó có thể hướng dẫn/ tuyên truyền các thông tin cô đọng và súc tích đến người dân.
Hình 3 Tờ rơi và áp phích tuyên truyền dành cho người dân
Hình 4 Bàn giao tài liệu tuyên truyền tại Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn (Lào Cai). Tại đây, tài liệu tuyên truyền được gửi trực tiếp đến Trường tiểu học số 1 Chiềng Ken và Trường PTDT Bán Trú THCS Chiềng Ken, hai địa phương đã từng xảy ra ngộ độc
Hình 5 Hoạt động tuyên truyền tại Trạm Y tế các xã Đông Minh, Lao Và Chải và Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc do quả hồng trâu nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc quả hồng trâu sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc do quả hồng trâu. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.
Tờ rơi phòng chống ngộ độc quả Hồng trâu: Link pdf
Tài liệu tham khảo
1. Cục An toàn thực phẩm (2014). Dự phòng và xử trí ngộ độc quả cây Hồng Trâu.
2. Lê Đình Bích, Trần Văn Ơn (2007), Thực vật học, Nhà xuất bản Y học.
3. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc.