- Folder Xác định nguyên nhân ngộ độc
- Views 1171
- Last Updated 04/06/2024
Hoa chuông là một loại cây thân gỗ mọc hoang, được nhiều người dân trồng để làm cảnh, phổ biến tại tất cả các địa phương trên cả nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến ngộ độc do sử dụng loại thực vật này làm thực phẩm.
Tropane alkaloid từ cây hoa chuông có thể gây ra các triệu chứng như ảo giác, mất trí nhớ, mất ý thức, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, rung tim, co cơ và thậm chí tử vong. Đã có một số trường hợp nhập viện vì ăn nhầm hoa và lá của cây hoa chuông.
1. Một số vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hoa chuông tại Việt Nam
Trong thời gian vừa qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc liên quan đến cây hoa chuông như sau:
Tháng 3/2022, tại Lào Cai: 10/12 công nhân sau ăn tối tại công trình xây dựng, có triệu chứng ngộ độc như đau đầu và buồn nôn. Các bệnh nhân được điều trị tại Trạm Y tế xã Thanh Bình và Bệnh viện đa khoa Sa Pa. Kết quả kiểm nghiệm sàng lọc độc chất phát hiện mẫu có chứa atropine và scopolamine, đây là các tropane alkaloid của các cây thuộc họ Cà (Solanaceae sp.).
Tháng 8/2023, tại Hà Giang: 8 người ăn hoa rừng xào trứng tại xã Chí Cà có biểu hiện ngộ độc và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xín Mần. Bốn người trong số đó có triệu chứng nặng như mất ý thức và ảo giác. Sau điều trị, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định. Kết quả kiểm nghiệm sàng lọc độc chất phát hiện mẫu có chứa scopolamine, là tropane alkaloid của các cây thuộc họ Cà (Solanaceae sp.).
Hoa chuông được trồng làm cảnh tại hầu khắp các địa phương, do có hoa đẹp và hương thơm nồng. Cho đến nay, luôn có một số trường hợp ngộ độc hoa chuông xảy ra rải rác tại các địa phương, do người dân không có kiến thức đầy đủ về loài thực vật này và nhầm lẫn với các loài thực vật ăn được khác.
2. Giới thiệu về hoa chuông
- Tên thường gọi: hoa chuông.
- Tên khoa học: Brugmansia sp., họ Cà (Solanaceae).
- Một số đại diện phân bố tại Việt Nam:
- Brugmansia suaveolens (Willd.) Sweet
- Brugmansia versicolor Lagerh.
- Brugmansia aurea Lagerh.
- Tên khác: Cà độc dược cảnh, Đại cà dược (brugmansia), Mộc/ Mộc tê (muguet), Hoa quế, Kèn thiên sứ (angel’s trumpet), Hoa chuông, Hơi thở của quỷ (devil’s breath), …
- Mô tả hình thái:
+ Cây bụi lớn hoặc cây nhỏ, thân bán thân gỗ, thường có nhiều nhánh. Chúng có thể đạt tới độ cao 3–11 m.
+ Lá mọc xen kẽ dọc theo thân cây, thường lớn, dài 10–30 cm và ngang 4–18 cm, có mép nguyên hoặc có răng cưa thô và thường được bao phủ bởi lớp lông mịn.
+ Hoa lớn, rũ xuống, hình loa kèn, dài 14–50 cm và ngang 10–35 cm ở phần mở đầu; có các màu trắng, vàng, hồng, cam, xanh lá cây hoặc đỏ. Hầu hết đều có mùi thơm đặc trưng, dễ chịu, dễ nhận thấy nhất vào buổi tối. Hoa có thể đơn, kép hoặc nhiều hơn.
Hình 1. Cây hoa chuông
- Phân bố: Brugmansia sp. là loài thực vật có nguồn gốc Nam Mỹ, dọc theo dãy Andes từ Venezuela tới miền bắc Chile, cũng như miền đông nam Brazil. Chúng được trồng làm cây cảnh khắp thế giới, và một số loài đã sống tự nhiên ở những hòn đảo cô lập thuộc Bắc Mỹ, châu Phi, châu Úc và châu Á. Tại Việt Nam, các loài Brugmansia sp. được trồng làm cảnh tại tất cả các địa phương.
- Một số thực vật dễ nhầm lẫn: ngọn cây mật gấu, hoa bí ngô.
Bảng 1. Một số thực vật dễ nhầm lẫn với hoa chuông
3. Độc tố của hoa chuông
Cây hoa chuông chứa các tropan alkaloid, trong đó nhiều nhất là scopolamine. Scopolamine là một chất kháng cholinergic, cạnh tranh với acetylcholine. Ngoài ra, nó còn là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng (liên kết với các thụ thể muscarineic có nhiều ở cơ quan và mô trong cơ thể), chịu sự ảnh hưởng và là một phần của hệ thống thần kinh thực vật.
Scopolamine có thể được hấp thu qua đường tiêu hóa, hô hấp, da hoặc niêm mạc, vượt qua hàng rào máu não và ảnh hưởng đến các thụ thể muscarineic trong não.
Hình 2. Alkaloid gây độc điển hình của hoa chuông
Các alkaloid trong cây có cơ chế kháng muscarine (một hợp chất amin bậc ba, có cả tác dụng lên trung ương và ngoại biên) gây ức chế cạnh tranh với acetylcholine ở các thụ thể muscarine của các cơ quan chịu sự chi phối của hệ phó giao cảm (sợi hậu hạch cholinergic) và ức chế tác dụng của acetylcholine ở cơ trơn.
Các alkaloid này được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, qua các niêm mạc, ở mắt và một ít qua da. Sinh khả dụng sinh theo đường uống khoảng 50%, đi vào tuần hoàn nhanh và phân bố khắp cơ thể. Các chất có khả năng qua hàng rào máu - não, qua nhau thai và hàm lượng vết trong sữa mẹ. Thời gian bán thải của chúng khoảng 2 - 5 giờ, dài hơn ở trẻ nhỏ, trẻ em và người cao tuổi. Các alkaloid này được chuyển hóa một phần ở gan và đào thải qua thận ở dạng nguyên bản và dạng chuyển hóa.
4. Phòng chống và xử lý ngộ độc hoa chuông
a) Triệu chứng ngộ độc
- Các triệu chứng xuất hiện khoảng 5 - 30 phút sau ăn/ uống.
- Ngộ độc scopolamine là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng như khô miệng, mắt, da và niêm mạc; giảm tiết chất nhầy ở dạ dày, ruột, phổi và mũi; giãn đồng tử, làm mờ thị lực và nhạy cảm với ánh sáng; giảm co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường tiết niệu và tử cung; tăng nhịp tim và huyết áp; giảm hoạt động thần kinh ở não, gây ra buồn ngủ, lẫn lộn, lo âu, ảo giác, mất trí nhớ và ý thức.
b) Xử trí ngộ độc
Xử trí ngộ độc hoa chuông cần được thực hiện theo hai nguyên tắc:
(1) Xử trí sớm, tích cực, khẩn trương;
(2) Phải đảm bảo các chức năng sống ổn định, đặc biệt đảm bảo kiểm soát hô hấp, ổn định tuần hoàn trước khi áp dụng các biện pháp khác.
Khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến hoa chuông, cần lập tức xử lý gây nôn cho bệnh nhân sau đó nhanh chóng báo cho các cơ quan y tế để xử lý. Các biện pháp cụ thể nhằm xử lý ngộ độc hoa chuông như sau:
- Hạn chế hấp thu: Gồm các biện pháp như sau (do nhân viên y tế thực hiện và theo dõi):
+ Gây nôn: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.
+ Rửa dạ dày: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn hoa chuông trong vòng 6 giờ.
+ Sử dụng than hoạt: Dùng sau khi gây nôn hoặc rửa dạ dày. Không dùng khi đang co giật, suy hô hấp hoặc hôn mê chưa có ống nội khí quản.
- Điều trị triệu chứng: Sau khi bệnh nhân được xử trí theo các bước trên, cần theo dõi sát các dấu hiệu co giật, nhịp tim chậm, liệt cơ có thể dẫn đến suy hô hấp.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ là quan trọng, không có thuốc giải độc đặc hiệu.
5. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc hoa chuông
Tháng 9-12/2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện hoạt động “Phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc” cùng với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên. Kết quả thu được là bộ tài liệu tuyên truyền (gồm áp phích và tờ rơi) để cung cấp những thông tin chung về ngộ độc hoa chuông và các cách phòng tránh ngộ độc do nhầm lẫn cho cán bộ y tế/ cán bộ tuyên truyền, từ đó có thể hướng dẫn/ tuyên truyền các thông tin cô đọng và súc tích đến người dân.
Hình 3. Tờ rơi và áp phích tuyên truyền dành cho người dân
Hình 4. Hoạt động tuyên truyền tại tỉnh Điện Biên
Hình 5. Hoạt động tuyên truyền tại tỉnh Hà Giang
Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc do hoa chuông nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.
Tác giả: Kiều Vân Anh
Đơn vị: Khoa Độc học và Dị nguyên – Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia
Tờ rơi phòng chống ngộ độc hoa chuông: Link
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2015). Quyết định số 3610/QĐ-BYT về ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc".
2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Chan T.Y.K. (2017). Worldwide Occurrence and Investigations of Contamination of Herbal Medicines by Tropane Alkaloids. Toxins, 9(9), 284.
4. Al-Sinani S., Eltayeb E., Yt K. và cộng sự. (2015). Variations in the cytotoxic glycoalkaloids (solamargine and solasonine) in different plant parts during development of Solanum incanum grown in Oman. J Taibah Univ Sci, 56.
5. Cổng Thông tin chính phủ (2021). Chủ động phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên. Cổng Thông tin chính phủ, <https://baochinhphu.vn/chu-dong-phong-chong-ngo-doc-do-doc-to-tu-nhien-102302917.htm>