Ngộ độc thực phẩm do scopolamine - “hơi thở của quỷ”

Scopolamine là độc tố tự nhiên có nguồn gốc từ các cây Scopolia, thực vật họ Cà (Solanaceae) như cà chua, cà tím, khoai tây. Scopolamine được mệnh danh là “hơi thở của quỷ” (devil’s breath), có tác dụng gây mê, gây ảo giác, làm mất thần trí và đưa con người vào trạng thái bị thôi miên. Tại Việt Nam, đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do scopolamine tại một số tỉnh thành như Lâm Đồng, An Giang, Phú Thọ, Bắc Giang.

1. “Hơi thở của quỷ” - Scopolamine là gì?

Scopolamine, hay còn được gọi là “hơi thở của quỷ” (devil’s breath), là một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ các cây Scopolia, thực vật họ Cà (Solanaceae) như cà chua, cà tím, khoai tây. Tại Việt Nam có một số đại diện như cây cà độc dược, hoa chuông (một số nơi còn được gọi là loa kèn). Scopolamine là một chất ức chế đối giao cảm tác động trên thụ thể muscarinics (liệt giao cảm), là dẫn chất tự nhiên amine bậc 4. Tác dụng của thuốc trong cơ thể bao gồm giảm tiết dịch, làm chậm co bóp dạ dày và ruột, làm giảm buồn nôn, nôn, chóng mặt liên quan đến say tàu xe và phục hồi sau khi gây mê và phẫu thuật. Ngoài ra, scopolamine còn nhiều tác dụng không mong muốn như tác dụng gây mê, đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí của con người và đưa con người vào trạng thái bị thôi miên. Loại ma túy này được coi là loại thuốc đáng sợ nhất thế giới mà tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân.

2. Tác dụng và tác hại của scopolamine

Scopolamine có công thức hóa học là C17H21NO4 và công thức cấu tạo như trong Hình 1, có đặc điểm hóa học là không màu, không mùi, không vị, dễ bay hơi nhưng lại có khả năng tạo ra ảo giác cho con người khi hít phải loại chất này. Do cấu trúc hoá học, thuốc có thể gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác rất mạnh. Đặc biệt, scopolamine sẽ ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu, không để ký ức được hình thành, những sự kiện xảy ra trong thời gian thuốc ảnh hưởng tới thần kinh con người sẽ không được ghi lại đến khi chất hết tác dụng. Người ta không thể nào nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra, nó có thể gây ra tình trạng mất trí nhớ ở mức độ tương tự như thuốc an thần diazepam. Scopolamine còn làm tim đập nhanh hơn và gây ra tình trạng kích động, nếu sử dụng với liều cao thì có thể gây chết người.

Hình 1: Công thức cấu tạo của Scopolamine

3. Các loài thực vật chứa nhiều scopolamine

Cùng với atropine và hyoscyamine, scopolamine là những hoạt chất chính thuộc nhóm tropan alkaloid, phổ biến có thể được tìm thấy trong thực vật (đặc biệt là ở cà độc dược - hàm lượng toàn phần từ 0,2 - 0,5%, chủ yếu là scopolamine, ngoài ra còn có hyoscyamine, atropine và các saponin, flavonoit, tanin,... với số lượng không đáng kể).

Hình 2: Cà độc dược

Scopolamine chủ yếu xuất hiện ở các loài thực vật thuộc chi Solanaceae như cà độc dược, cỏ dại Jimson, táo gai hoặc các cây họ hạt kín như họ cải, họ bìm bìm (ví dụ, Erycibe henryi), họ đước (ví dụ, Rhizophoraceae),…[3]. Chúng thường mọc dại ở ven đường, trong đồng ruộng,… và có thể được thu hoạch cùng với hoa màu. Và chính nguyên nhân này làm cho ngũ cốc là loại thực phẩm thường bị nhiễm tropane alkaloids nhất. Các sản phẩm thực phẩm chính bị ô nhiễm bởi tropane alkaloids có thể kể đến là kiều mạch, kê, lúa miến và ngô, rau, các loại đậu, trà và dịch truyền, hạt có dầu, thực phẩm bổ sung và mật ong.

4. Thực trạng ngộ độc do scopolamine và các quy định hiện hành

 Theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, “hơi thở của quỷ” có mặt ở Việt Nam gần 10 năm nay. Rất nhiều vụ án nạn nhân bị thôi miên nên vô thức đã tự lấy tiền vàng, tháo nhẫn, dây chuyền, v.v và “tình nguyện” đưa cho người lạ đã được liên hệ với scopolamine. Những nạn nhân này hầu hết khi tỉnh lại đều không nhớ gì nhiều và chỉ mang máng nhớ rằng không hiểu sao lúc đó họ rơi vào trạng thái trống rỗng, làm theo chỉ dẫn của người đối diện một cách vô điều kiện.

Tại Việt Nam, loại cây có hoa rất giống với cây “hơi thở của quỷ” mọc khá phổ biến tại xứ lạnh như Đà Lat và Sa Pa. Tại những nơi này, chúng được người dân gọi bằng một số tên như hoa loa kèn hay hoa kèn của thiên thần. Người dân thường bị ngộ độc vì lỡ ăn hoặc ngửi “hơi thở của quỷ”.

 Năm 2013, tại chùa Kỳ Quang (Đức Trọng, Lâm Đồng) vì thấy hoa đẹp nên một người có hái khoảng hai chục bông loa kèn nói trên nhúng ăn thử trong bữa lẩu chay tại chùa. Theo những người có mặt tại bữa ăn kể lại, do thấy hoa lạ nên chỉ có một số người dám ăn thử. Khi mới nhúng lẩu ăn, những người ăn hoa nói rằng hoa có vị rất ngon, ngọt và giòn. Tuy nhiên, chỉ 15 phút sau, tất cả năm người tham gia ăn thử loài hoa này đều có triệu chứng giống nhau như không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng làm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh… Sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ cho biết những người này đã bị trúng một loại độc dược có khả năng gây ảo giác.

Trước đó, vào năm 2011, bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng mê sảng, xuất hiện ảo giác mạnh, không kiểm soát được hành vi. Sau khi được cấp cứu, người này cho biết do thấy hoa loa kèn mọc trong rẫy đẹp nên đã ngửi thử.

Một cuộc khảo sát toàn châu Âu đã chỉ ra, khi các mẫu thực phẩm được thu thập vào năm 2015 được kiểm tra chất gây ô nhiễm hóa học, 2343 (11,2%) trong tổng số 20885 kết quả phân tích là dương tính với tropane alkaloids.

Liên minh châu Âu theo quy định (EU) 2021/1408 ngày 27 tháng 8 năm 2021 sửa đổi quy định (EC) 1881/2006 đã đưa ra quy định mức giới hạn tối đa của hai chất thuộc nhóm tropane alkaloids là atropine và scopolamine trong một số loại thực phẩm nhất định (Bảng 1).

Bảng 1: Quy định mức giới hạn tối đa của atropine và scopolamine trong một số loại thực phẩm

Thực phẩm

Mức giới hạn tối đa (µg/kg)

Atropine

Scopolamine

Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc và thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có chứa hạt kê, cao lương, kiều mạch, ngô hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng.

1,0

1,0

 

Tổng của Atropine và Scopolamine

Kê và cao lương chưa chế biến

5,0 áp dụng từ 01/09/2022

Ngô chưa chế biến ngoại trừ :

+ Ngô chưa chế biến dự định được chế biến bằng phương pháp xay xát ướt

+ Ngô chưa chế biến để trồng

15 áp dụng từ 01/09/2022

Kiều mạch chưa chế biến

10 áp dụng từ 01/09/2022

+Ngô để trồng

+Kê, cao lương và ngô đưa ra thị trường cho người tiêu dùng

+Các sản phẩm kê, cao lương và xay xát

5,0 áp dụng từ 01/09/2022

+Kiều mạch được đưa ra thị trường cho người tiêu dùng

+Các sản phẩm xay xát từ kiều mạch

10 áp dụng từ 01/09/2022

Trà thảo mộc (sản phẩm khô) trừ trà thảo mộc (sản phẩm khô) của hạt hồi

25 áp dụng từ 01/09/2022

Trà thảo mộc (sản phẩm khô) của hạt hồi

50 áp dụng từ 01/09/2022

Trà thảo mộc (dạng lỏng)

0,20 áp dụng từ 01/09/2022

Tại Việt Nam, chưa có phương pháp tiêu chuẩn để phân tích xác định scopolamine cũng như tropane alkaloids trong thực phẩm nên cần thiết phải xây dựng phương pháp xác định scopolamine và các chất nhóm tropane alkaloids trong thực phẩm, góp phần giúp giảm thiểu các vụ ngộ độc do tropane alkaloids.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Kamarul Zaman and Mohamad Azzeme, (2019), “Plant toxins: alkaloids and their toxicities” / GSC Biological and Pharmaceutical Sciences 2019, 06(02), 021–029.

[2] Sicong Li, Xin Liu, Xiaoran Chen, and Lei Bi, (2020), “Research Progress on Anti-Inflammatory Effects and Mechanisms of Alkaloids from Chinese Medical Herbs”, Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, Volume 2020, Article ID 1303524, 10 pages.

[3] Chan, T. (2017). Worldwide Occurrence and Investigations of Contamination of Herbal Medicines by Tropane Alkaloids. Toxins, 9(9), 284.

 

 

VIDEO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng lượt truy cập4698382
  • Hàng tháng2145
  • Hôm nay2475
  • Đang Online20