- Folder Xác định nguyên nhân ngộ độc
- Views 1049
- Last Updated 20/02/2023
Lá ngón là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất, rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn. Trong những năm vừa qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc liên quan đến lá ngón và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc lá ngón.
1. Tình hình ngộ độc liên quan đến lá ngón
Hàng năm, nhiều địa phương trên cả nước đều có báo cáo về các vụ ngộ độc liên quan đến Lá ngón. Từ năm 2019 đến năm 2022, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc liên quan đến Lá ngón. Các địa phương thường xảy ra ngộ độc chủ yếu là khu vực vùng núi, nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc ít người. Một số vụ ngộ độc xảy ra do ăn nhầm các bộ phận của Lá ngón như sau:
Tháng 7/2020, tại xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nhóm 5 người dân lên rừng hái rau ăn nhưng hái nhầm lá ngón, khiến 3 người tử vong.
Tháng 4/2021, báo cáo từ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn của Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn về 1 trường hợp người dân sau khi ăn rau rừng khoảng 20 phút xuất hiện đau bụng, lơ mơ và được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, lơ mơ, gọi hỏi không biết, có bọt trắng trong miệng, giãn đồng tử và tử vong. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện một số alkaloid Lá ngón trong mẫu thực phẩm thu được.
Tháng 5/2021, báo cáo từ bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè của Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu về một gia đình dân tộc Mảng gồm ba người ngộ độc sau bữa ăn, trong đó hai người tử vong, một người cấp cứu. Kết quả phát hiện một số alkaloid Lá ngón trong mẫu dịch dạ dày của người bị ngộ độc.
Tháng 9/2022, báo cáo từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang về một nam bệnh nhân, 49 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng nôn, tê lưỡi, đau đầu chóng mặt,… sau khi ăn nhầm lá ngón.
Tháng 10/2022, báo cáo từ xã Thái Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), sau khi uống loại nước nấu từ một số thân cây, 7 người đàn ông nôn, chóng mặt, cơ tay chân khó vận động, được đưa vào viện cấp cứu. Tại đây, họ được bác sĩ rửa dạ dày và cấp cứu kịp thời…
Tất cả các trường hợp như trên, qua kết quả phân tích mẫu thu được, đều phát hiện các alkaloid điển hình của Lá ngón như Koumine và Gelsemine.
2. Giới thiệu về cây Lá ngón
- Cây Lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans. Loài này trước đây được phân loại trong họ Mã tiền (Loganiaceae), nhưng từ năm 1994 đến nay được cho là thuộc họ mới là họ Hoàng đằng (Gelsemiaceae). Lá ngón được người dân gọi với các tên khác như: ngón vàng, thuốc rút ruột, cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn, …
- Mô tả cây: cây nhỡ, mọc leo, cành nhẵn có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài hoặc hình mác, mép nguyên, mặt nhẵn bóng, lá kèm không rõ. Cụm hoa hình chuỳ ở nách lá, dạng ngù. Hoa màu vàng, đài 5 lá đài rời, tràng gồm 5 cánh hoa nhẵn, dính thành ống hình phễu, nhị 5, đỉnh ở phía dưới ống tràng, bầu nhẵn, vòi dạng sợi, đầu nhuỵ 4 thuỳ hình sợi. Quả nang có vỏ cứng, dai, hạt có rìa mỏng bao quanh, mép cắt khía.
- Nơi sống: mọc hoang ở các vùng núi cao từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Hoà Bình, Nghệ An, Kon Tum, …
- Một số thực vật dễ nhầm lẫn với Lá ngón: Bù ốc leo (Lá ngón ăn được), Chè vằng (nhầm lẫn lấy lá uống).
Bảng 1 Một số thực vật dễ nhầm lẫn với cây Lá ngón
3. Độc tố của Lá ngón
Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây; thậm chí mật hoa, ong ăn phải mật cũng có thể bị nhiễm độc. Các alkaloid trong cây Lá ngón gồm: koumin (nhiều nhất), gelsemine, gelsenicin (độc nhất), gelsamydin, gelsemoxonin, 19- hydroxygelsamydin…
Hình 2. Một số alkaloid gây độc điển hình của Lá ngón
Chưa có nghiên cứu về các liều gây chết tối thiểu trên người của các độc tố từ lá ngón. Các tài liệu về cây thuốc ở Việt Nam cho thấy lá ngón là cây rất độc, ăn 3 lá có thể đủ gây tử vong. Tác dụng chính của các độc tố là trên các đầu mút dây thần kinh vận động dẫn tới liệt các cơ vân.
4. Phòng chống và xử lý ngộ độc lá ngón
* Triệu chứng ngộ độc lá ngón
Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện khoảng 5 - 30 phút sau ăn/uống. Các triệu chứng chính bao gồm:
- Tai mũi họng mắt: Giãn đồng tử, sụp mi (do liệt cơ), song thị, giảm hoặc mất thị lực. Khô miệng, khó nói, khó nuốt.
- Tim mạch: nhịp tim chậm.
- Hô hấp: khó thở, suy hô hấp do liệt cơ hô hấp.
- Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, co giật (khi ngộ độc nặng), khít hàm, cứng các cơ, yếu cơ, liệt cơ.
- Da - niêm mạc: vã mồ hôi, đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân bị viêm da sau khi cầm nắm rễ, lá, hoa.
- Tác dụng với thai nhi, phụ nữ cho con bú, khả năng gây ung thư đột biến gen: chưa có nghiên cứu nào đánh giá các tác dụng này.
* Phòng chống ngộ độc lá ngón
Ngộ độc lá ngón xuất phát từ 2 nguyên nhân, do nhầm lẫn hoặc do cố tình sử dụng. Do đó, để phòng chống ngộ độc lá ngón cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Tuyên truyền kiến thức, tránh các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn với các loại thực vật khác có thể được sử dụng làm thực phẩm.
- Chặt bỏ cây lá ngón.
- Phát hiện và điều trị kịp thời người dân có bệnh lý tâm thần (như trầm cảm, căng thẳng), người dân có ý định và hành vi tự sát. Không để những người này tiếp cận với cây lá ngón. Sau khi đã điều trị ngộ độc ổn định, cần cho các bệnh nhân ngộ độc do tự sát khám và điều trị chuyên khoa tâm thần.
* Xử lý ngộ độc lá ngón
Xử lý ngộ độc lá ngón cần được thực hiện theo hai nguyên tắc: (1) Xử trí sớm, tích cực, khẩn trương và (2) Phải đảm bảo các chức năng sống ổn định, đặc biệt đảm bảo kiểm soát hô hấp, nhanh chóng cắt cơn co giật, ổn định tuần hoàn trước khi áp dụng các biện pháp khác.
Khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến lá ngón, cần lập tức xử lý gây nôn cho bệnh nhân sau đó nhanh chóng báo cho các cơ quan y tế để xử lý. Các biện pháp cụ thể nhằm xử lý ngộ độc lá ngón như sau:
- Hạn chế hấp thu: Gồm các biện pháp như sau:
+ Gây nôn: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.
+ Rửa dạ dày: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn lá ngón trong vòng 6 giờ.
+ Sử dụng than hoạt: Dùng sau khi gây nôn hoặc rửa dạ dày. Không dùng khi đang co giật, suy hô hấp hoặc hôn mê chưa có ống nội khí quản.
- Điều trị triệu chứng: Sau khi bệnh nhân được xử trí theo các bước trên, cần theo dõi sát các dấu hiệu co giật, nhịp tim chậm, liệt cơ có thể dẫn đến suy hô hấp. Các biện pháp điều trị hỗ trợ là quan trọng, không có thuốc giải độc đặc hiệu.
5. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc lá ngón
Tháng 10-12/2022, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện hoạt động “Phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc lá ngón, hồng trâu” cùng với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, với kết quả là bộ tài liệu tuyên truyền (gồm áp phích và tờ rơi) để cung cấp những thông tin chung về ngộ độc cây Lá ngón và các cách phòng tránh ngộ độc do nhầm lẫn cho cán bộ y tế/ cán bộ tuyên truyền, từ đó có thể hướng dẫn/ tuyên truyền các thông tin cô đọng và súc tích đến người dân.
Hình 3. Tờ rơi và áp phích tuyên truyền dành cho người dân
Hình 4. Bàn giao tài liệu tuyên truyền tại Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn (Lào Cai). Tại đây, tài liệu tuyên truyền được gửi trực tiếp đến Trường tiểu học số 1 Chiềng Ken và Trường PTDT Bán Trú THCS Chiềng Ken, hai địa phương đã từng xảy ra ngộ độc
Hình 5. Hoạt động tuyên truyền tại Trạm Y tế xã Đông Minh và Trạm Y tế xã Lao Và Chải, Yên Minh, Hà Giang
Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc do lá ngón nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc lá ngón sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc do lá ngón. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.
Tờ rơi phòng chống ngộ độc lá ngón: Link pdf_01, Link pdf_02,
Tài liệu tham khảo
1. Lê Đình Bích, Trần Văn Ơn (2007), Thực vật học, Nhà xuất bản Y học.
2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc.
4. Trần Công Khánh (2004), Cây độc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.
5. Thái Nguyễn Hùng Thu (2015), Độc chất học, Nhà xuất bản Y học.