- Folder Hợp tác quốc tế
- Views 11459
- Last Updated 25/04/2022
Thực hiện Bản ghi nhớ giữa Trung tâm khoa học liên bang về công nghệ y học dự phòng đối với nguy cơ sức khỏe của Liên Bang Nga (gọi tắt là FBSI) và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Việt Nam (gọi tắt là NIFC) được ký kết năm 2018 dựa trên khuôn khổ Sắc lệnh của Chính phủ Liên bang Nga số 1789-p ngày 19.08.2017 về việc hỗ trợ về khoa học, phương pháp luận, cơ sở vật chất và kỹ thuật cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm chống lại mối nguy của các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ liên quan đến hóa chất độc hại, hợp tác giữa hai đơn vị được thiết lập kể từ đó.
Bản ghi nhớ về chương trình nghiên cứu khoa học các phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm tập trung vào sự gia tăng của các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, có thể gây hại cho sức khỏe con người. N-nitrosamine đã được chọn làm hợp chất chính để đánh giá rủi ro cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở thành phố Perm, Nga và thành phố Hà Nội, Việt Nam.
* Trong năm 2018, theo kế hoạch công việc của Bản ghi nhớ, một số hoạt động đã triển khai và đạt kết quả tốt đẹp:
- Tại Trụ sở của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Hội thảo nghiên cứu và phát triển với nội dung “Đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do hàm lượng các chất độc hại trong thực phẩm” diễn ra ngay sau buổi lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị.
- Hai đơn vị đã cử chuyên gia đến Việt Nam và sang Liên bang Nga để lấy mẫu thực phẩm phục vụ công tác nghiên cứu (13 mẫu ngũ cốc, thịt hộp, rau củ cho trẻ em lấy tại Việt Nam; 7 mẫu thịt, sản phẩm từ thịt và rau cho trẻ em lấy tại Nga). Đánh giá so sánh các phương pháp chuẩn bị mẫu để phân tích N-nitrosoamines đã được trình bày tại phòng thí nghiệm của hai đơn vị.
- Nghiên cứu chung về xác định hàm lượng hóa chất trong các mẫu sản phẩm thức ăn trẻ em được lựa chọn bằng phương pháp khối phổ đã được tổ chức tại NIFC và FBSI. Công nghệ đánh giá mức tiêu thụ thực tế của các sản phẩm thực phẩm cho trẻ em đã được phát triển và thông qua. Bảng điều tra được xây dựng để đánh giá mức tiêu thụ thực phẩm dành cho trẻ em ở Việt Nam và Nga.
- Tại Hà Nội, hội thảo “Phương pháp chuẩn bị mẫu thực phẩm trước khi phân tích sử dụng hệ thống chiết pha rắn tự động Sepaths nối tiếp phân tích sắc ký - khối phổ” đã diễn ra với sự tham gia của 14 chuyên gia của NIFC, 1 chuyên gia đến từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và 4 chuyên gia từ FBSI.
- Khóa đào tạo về "Phương pháp chuẩn bị mẫu thực phẩm trước khi phân tích sử dụng hệ thống chiết pha rắn tự động Sepaths nối tiếp phân tích sắc ký khí-khối phổ" được tổ chức tại Perm với sự tham dự của 2 chuyên gia từ NIFC (từ ngày 17-21/12/2018).
- Từ ngày 4-5/10/2018, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với Cục An toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị Khoa học Kiểm nghiệm thực phẩm 2018 tại Hà Nội với sự tham gia của hai nhà khoa học đến từ Trung tâm FBSI, Liên bang Nga. Tiến sĩ Nurislamova T.V., Trưởng khoa Phân tích Hóa học của FBSI đã trình bày "Kinh nghiệm của Liên bang Nga trong việc phát triển các phương pháp kiểm soát mức N-nitrosoamine trong thực phẩm (thịt hộp trẻ em)".
- Tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã diễn ra Hội thảo lập kế hoạch đánh giá thực tế tiêu dùng thực phẩm cho trẻ em trong khuôn khổ nghiên cứu và phát triển với nội dung “Đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do hàm lượng các chất độc hại trong thực phẩm”.
* Trong năm 2019, một số hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị bao gồm các nội dung sau:
- Các khóa đào tạo nâng cao “Đánh giá ô nhiễm hóa chất của sản phẩm thực phẩm theo các phương pháp của Ủy ban Codex Alimentarius và EAEU”, “Mô hình toán học trong đánh giá nguy cơ sức khỏe do hàm lượng các chất độc hại trong thực phẩm” và hội thảo về "Các phương pháp kiểm soát tiêu thụ thực phẩm ở Việt Nam và Liên bang Nga" được tổ chức tại trụ sở của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Hà Nội, Việt Nam.
- Hai nghiên cứu viên của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tham gia Hội nghị “Các vấn đề nổi cộm của phân tích nguy cơ trong việc đảm bảo vệ sinh và dịch tễ học của cộng đồng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tại thành phố Perm. TS. Vũ Thị Trang, Trưởng khoa Dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm trình bày báo cáo “Đánh giá nguy cơ phụ gia thực phẩm đối với chế độ ăn, nghiên cứu thực địa tại Việt Nam”
- Hoàn thành nghiên cứu các đề tài “Nghiên cứu lượng tiêu thụ sản phẩm thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam”, “Đánh giá nguy cơ sức khỏe (hàm lượng nitrosamine trong thức ăn trẻ em)”. Kết quả của ba dự án nghiên cứu được thực hiện nhất quán trong năm 2018-2019 cho thấy sự xuất hiện của hàm lượng nitrosamine trong các sản phẩm thức ăn cho trẻ em (thịt hộp, ngũ cốc để nấu ăn ngay), khối lượng tiêu thụ các sản phẩm này và mức độ rủi ro sức khỏe liên quan đến chúng.
- Hàm lượng nitrosamine trong thịt hộp đối với nguy cơ sức khỏe của người Việt Nam được đánh giá sơ bộ là không đáng kể, liên quan đến hàm lượng nitrosamine trong ngũ cốc có nguy cơ cao.
* Một số hoạt động đã triển khai trong năm 2020 mang lại kết quả tốt đẹp:
- Hai đơn vị đã thực hiện nghiên cứu chung “Phát hiện và xác định mối nguy của các hóa chất chưa được công bố sử dụng trong sản phẩm thực phẩm”. Do đại dịch Covid-19, các khóa đào tạo trực tiếp giữa hai đơn vị không thực hiện được. Theo kế hoạch, 7 cuộc tham vấn trực tuyến về cách tiếp cận phương pháp luận để lựa chọn sản phẩm thực phẩm đối với các hóa chất chưa được công bố có mặt trong thực phẩm và các cách tiếp cận phương pháp luận cơ bản để lựa chọn sản phẩm thực phẩm đã được thực hiện.
- Từ ngày 13 – 20/5/2020, Hội thảo quốc tế trực tuyến "Phân tích rủi ro đối với sức khỏe kết hợp với Hội nghị quốc tế về môi trường và sức khỏe "RISE-2020" và Hội nghị bàn tròn về an toàn thực phẩm “Đảm bảo an toàn thực phẩm ở các quốc gia độc lập và Việt Nam” đã diễn ra với tham gia của các chuyên gia Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Dựa trên kết quả hội thảo khoa học của tạp chí “Health Risk Analysis” số 3 năm 2020, các bài báo đã được công bố: * Phân lập và mô tả tụ cầu vàng gây ra hai vụ ngộ độc thực phẩm trên diện rộng ở Việt Nam. Nhóm tác giả: Lâm Quốc Hùng, Nguyễn Minh Hường, Tạ Thị Yến, Lê Vinh Hoa, Trần Hồng Ba, Phạm Lệ Quyên, Đỗ Thị Thu Hương, Nguyễn Thành Trung, Lê Thị Hồng Hảo. https://journal.fcrisk.ru/2020/3/17 * Đánh giá phơi nhiễm và xác định đặc điểm nguy cơ của n-nitrosodimethylamine (NDMA) trong chế độ ăn của trẻ từ sáu tháng đến ba tuổi tại Hà Nội, Việt Nam. Nhóm tác giả: Trần Cao Sơn, Nguyễn Thị Thanh Lam, Vũ Ngọc Tú, Bùi Quang Đông, Lê Thị Hồng Hảo, Lưu Quốc Toản, N.A. Lebedev-Nesevrya. https://journal.fcrisk.ru/2020/3/10
Ngoài ra, 02 bài báo về các vấn đề an toàn thực phẩm đã được xuất bản: * Phân lập và xác định chủng Pseudomonas spp sinh enzym β-lactamase trong rau ăn sống. Nhóm tác giả: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Minh Hường, Phạm Thị Loan, Lê Thị Hồng Hảo, Tạ Thị Yến ("Health Risk Analysis" số 1-2020) https://journal.fcrisk.ru/ 2020/1/11 *Đánh giá phơi nhiễm Staphylococcus aureus tại các bếp ăn tập thể của một số trường tiểu học ở Hà Nội, Việt Nam. Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thành Trung, Lê Thị Hồng Hảo, Phạm Xuân Đà, Phạm Thế Hải.
Kết quả hợp tác giữa Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Việt Nam và Trung tâm khoa học liên bang về công nghệ y học dự phòng đối với nguy cơ sức khỏe của Liên Bang Nga giai đoạn 2018-2020 đã góp phần vào sự hợp tác, phát triển của hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhằm hạn chế rủi ro từ các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ liên quan đến hóa chất độc hại. Hai bên kỳ vọng phát triển hợp tác hơn nữa trong các giai đoạn tiếp theo.